Cậu bé 12 tuổi đón chúng tôi có đôi mắt biết cười sáng lấp lánh. Cháu nói nhỏ, có dấu hiệu vỡ giọng hơi khàn nhưng cởi mở, ấm áp và trả lời trực diện vào câu hỏi một cách dứt khoát.
Khoa tâm sự, điều con nhớ nhất về mẹ là được mẹ bế con ở ngoài sân nhà ông bà ngoại. Nghe con nói mà thương vì thực tế, bố mẹ Khoa lấy nhau rồi vào Nam lập nghiệp.
Vì thời tiết trong Nam nắng nóng, bố mẹ đi làm suốt ngày nên khi bé Khoa 1 tuổi đã được gửi về ông bà ngoại chăm. Rồi những chuyện không may liên tiếp xảy đến với cậu bé. Năm 2014, mẹ bé qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Năm 2017, bố của Khoa chẳng may qua đời đột ngột. Sau khi những điều không may xảy đến, con tiếp tục được ông bà ngoại cưu mang. Trong ký ức của con, những hình ảnh mẹ mờ ảo, hầu như được lồng vào hình ảnh mẹ trong những bức ảnh treo trong nhà.
Ông bà ngoại như là người cha người mẹ thứ hai của con. Hồi nhỏ Khoa hay ốm nhưng từ sau khi mẹ mất, cháu như được mẹ nâng, không còn ốm vặt và cứ lớn bổng lên từng ngày. Cháu rất ngoan, biết giúp ông bà làm việc nhà. Mỗi lần ông bà ốm, trong lòng rất lo lắng vì sợ ông bà chết không ai nuôi mình nhưng Khoa luôn bình tĩnh hỏi ông bà cần gì. Có hôm trời tối, cháu cũng dám soi đèn ra vườn đào gừng rồi gọi điện cho bác vào đánh cảm cho bà. Khoa trong mắt hàng xóm là chú bé luôn vâng lời ông bà, ra đường gặp ai cũng mau miệng chào hỏi lễ phép.
Chiều nay đón chúng tôi, con hồn nhiên bộc bạch, con rất cám ơn các cô chú đã dành thời gian nói chuyện, chơi với con. Con chưa bao giờ được nhận nhiều quà như thế. Và nhất là được đón các bố, các mẹ. Các cô chú là những cha, mẹ đỡ đầu để con tiếp tục mơ ước của mình.
Hồi cấp Một Khoa là học sinh giỏi, có năng khiếu môn Toán và được thi học sinh giỏi. Năm vừa rồi lên cấp Hai, trường mới, thày cô mới, bạn bè mới, cách học mới, nhất là khoảng thời gian dài học online vì covid-19, con học sút hơn hẳn. Cuối năm, con tâm sự với bà ngoại, sang năm ông bà cho con đi học thêm để củng cố kiến thức, học giỏi, được nhận giấy khen. Nhưng ông bà ngoại chỉ có vườn trồng ít cây ăn quả, 2 sào ruộng cấy lúa chưa đủ gạo ăn nên bảo con sang xin ông bà nội. Ông nội ung thư vòm họng, bà nội già yếu cũng chưa có tiền cho con. Cả nhà đang chờ người cậu, em của mẹ, gửi tiền về để cho con đi học thêm.
Chú bé 12 tuổi mơ ước sau này được học công nghệ máy, chế tạo ra những bộ máy chạy được. Hy vọng những giúp đỡ yêu thương, thiết thực của cán bộ, phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam và các Mạnh Thường Quân sẽ chắp cánh cho ước mơ của con trở thành hiện thực.
Chương trình Mẹ đỡ đầu do TW Hội LHPN Việt Nam phát động và được triển khai từ ngày 20/10/2021 dựa trên nguyên tắc: hoàn toàn tự nguyện; tôn trọng các quy định của pháp luật về quyền trẻ em. Các hỗ trợ đảm bảo sát hợp với nhu cầu của trẻ; ưu tiên tối đa điều kiện để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình, họ hàng, cộng đồng, quê hương; công khai, minh bạch nguồn hỗ trợ, đối tượng được thụ hưởng. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức Hội nơi có tập thể, cá nhân là "Mẹ đỡ đầu" với cấp ủy, chính quyền, các trung tâm và tổ chức Hội cơ sở nơi trẻ sinh sống, giúp các em có cơ hội phát triển toàn diện.
Chương trình Mẹ đỡ đầu chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn từ năm 2021-2027 sẽ tập trung hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19 (mồ côi cả cha mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ) đến khi các con đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện, tình hình thực tế của từng địa phương có thể mở rộng đối tượng hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu trẻ mồ côi nói chung. Giai đoạn từ năm 2028 trở đi, các cấp Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19 đến khi các con đủ 18 tuổi. Đồng thời, mở rộng đối tượng hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu trẻ mồ côi nói chung, trẻ em không nơi nương tựa, không có người nuôi dưỡng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn