Hiểm họa rình rập
Cuộc chiến tranh ở Đông Dương đã kết thúc 35 năm nay nhưng bom mìn của quân đội Mỹ dội xuống đất Lào vẫn rình rập và tiếp tục gây tổn hại cho người dân ở các vùng nông thôn nước này. Các chuyên gia Liên hợp quốc ước tính phải mất thêm 100 năm nữa mới có thể thu gom toàn bộ số bom mìn còn sót lại ở Lào.
Theo thống kê, từ năm 1964 đến 1975, Mỹ đã ném xuống đất Lào khoảng 270 triệu quả bom, 14 trong tổng số 17 tỉnh, thành của Lào bị bom mìn chưa nổ đe dọa. Số lượng bom rơi ở nước này còn lớn hơn lượng bom do tất cả các bên ném xuống ở châu Âu trong Thế chiến thứ 2. Vì thế, Lào trở thành một trong số những quốc gia hứng chịu bom mìn lớn nhất thế giới (tính theo đầu người).
Chị Pheng cẩn thận trong từng động tác
80 triệu quả, chiếm 30% số lượng bom mìn đạn dược còn sót lại. Những quả bom chùm mà dân địa phương gọi là bom bi, có kích cỡ chỉ bằng 1 quả bóng tennis nhưng tính sát thương rất lớn. 4 thập kỷ mưa gió, đất cát lở bồi, chúng đã bị vùi lấp rất khó nhận thấy, để rồi những người sinh ra giữa thời bình vẫn bị bom mìn sát hại.
Trong cuộc chiến, phần lớn số thương vong do bom mìn gây ra là những người lính. Ngày nay, đó là người nông dân, dân chài, nhân viên quản lý rừng, phụ nữ hoặc trẻ em đi cắt cỏ và kiếm sống ở những khu vực còn bom mìn. Theo Giám đốc điều hành tổ chức Di sản Chiến tranh Channapha Khamvongsa, các chiến dịch ném bom của Mỹ thời chiến tranh khiến rất nhiều vùng ở Lào bị hủy diệt và cho tới nay vẫn còn cướp đi mạng sống của người vô tội. “40 năm sau, con người vẫn thiệt mạng hay bị thương. Trẻ em sinh ra sau chiến tranh vẫn bị tổn thương. Đây là một thảm kịch nối dài”, bà Channapha cho biết. Chưa rõ là phải mất bao lâu nữa để có thể tìm kiếm và gỡ bỏ tất cả bom mìn chưa nổ ở Lào, song bà Channapha chia sẻ, người dân xứ triệu voi quyết tâm dọn sạch hàng triệu bom bi và tái thiết đất nước.
Không giấu nổi vẻ lo lắng
Dấn thân vào hiểm nguy
Trong các nhóm hoạt động ở tỉnh Xieng Khuang trực thuộc tổ chức Tư vấn bom mìn (MAG) - tổ chức nhân đạo chuyên về vấn đề tàn tích chiến tranh ở các vùng xung đột trên thế giới, phụ nữ chiếm tới 40%. UCT6 là đội nữ chuyên rà phá bom mìn nằm trong 7 đội của MAG ở Xieng Khuang. Các thành viên nữ của UCT6 biết rất rõ về những thảm kịch bất ngờ do bom mìn chưa phát nổ gây ra.
Một trong số họ là Pheng (39 tuổi), kỹ thuật viên rà phá bom mìn. Chồng chị đã bị bom mìn sát hại, mình chị phải vật lộn nuôi 5 đứa con nhỏ, phải lao động cật lực trên đồng ruộng hay dệt may tại nhà. Trong khi đó, đồng đội của Pheng là Bouakham Bounmavilay lại có hoàn cảnh khác. Đất đai nông nghiệp của gia đình cô chưa được làm sạch bom mìn. “Chúng tôi không có nơi nào khác để trồng lúa”, cô giải thích.
Một thành viên trong đội rà phá bom mìn lên bìa tạp chí
Mỗi ngày, các thành viên nữ của UCT6 lại trải qua công việc nguy hiểm. Họ tới các cánh đồng, vùng đất với những chiếc máy dò kim loại. Khi có tín hiệu, các kỹ thuật viên đào sâu xuống đất để đánh giá vật thể ở dưới là bom mìn hay kim loại phế liệu. Công việc phá hủy bom mìn diễn ra vào cuối mỗi ngày. Tổ đội làm việc khoảng 3 tuần liên tục, sau đó nghỉ trong một tuần. Trong một nhóm làm việc, họ cũng thường nói tới vấn đề cùng quan tâm như cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc hay chăm sóc con cái. Họ trở thành những mẫu hình truyền cảm hứng cho các thế hệ phụ nữ trẻ tại Lào.
Niềm vui khi hoàn tất công việc
Phou Vong (46 tuổi) là thành viên của một trong số các nhóm tháo gỡ bom mìn. Cô chưa bao giờ quên trải ngiệm lần đầu tiên tìm thấy một cụm bom chùm: “Tôi vô cùng phấn khích nhưng cũng rất sợ hãi. Thoáng chút lưỡng lự nhưng tôi thấy vui vì mình đang giúp đỡ nhiều người khỏi hiểm nguy rình rập”. Phou và các cộng sự nói rằng cần có thêm nhiều sự giúp đỡ của quốc tế mới mong làm sạch 80 triệu bom chùm chưa phát nổ ở Lào.
Vô số quả bom, mìn đã được rà phá
Kể từ năm 2004 đến tháng 6/2012, MAG đã làm sạch hơn 38,7 triệu m2 đất ở Lào, phá hủy 161.802 quả bom mìn chưa phát nổ. Nhờ đó, hơn 450.000 người đã có đất đai an toàn để vui chơi, làm việc, sinh sống. Những người phụ nữ của UCT6 cảm thấy có một trách nhiệm to lớn để làm sạch đất đai cho các thế hệ tương lai. “Chúng tôi rất vui khi vừa dò tìm được một quả bom nặng hơn 200kg”, Manixia Thor, Phó đội trưởng, cho biết.
Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng tất cả những người phụ nữ này đều có một mơ ước một ngày nào đó có thể làm sạch bom mìn trên quê hương mình. Đó cùng là mơ ước của tất cả những người dân “xứ sở triệu voi” không còn phải nghe tiếng bom ở giữa thời bình.