Các cô gái với tương lai là những ca chạy thận

15:28 | 01/04/2016;
Ngõ Cột cờ (121 Lê Thanh Nghị, Hà Nội) được gọi là “xóm chạy thận” với những dãy nhà cấp 4 lụp xụp. Ở đó có nhiều phụ nữ trẻ ngày ngày gồng mình chống lại sự đau đớn của bệnh tật và tương lai là những ca chạy thận nhưng họ vẫn gắng sống...
Ở “Xóm chạy thận”, mỗi phòng chật hẹp, ẩm thấp từ 7-10m2, hơn 20 năm nay là nơi ở của các bệnh nhân chạy thận.  Ảnh: Mỹ Nga

Tốt nghiệp giáo viên tiểu học, cầm trong tay giấy chứng nhận thi đỗ công chức cũng là lúc Nguyễn Thị Hương (27 tuổi, Nam Định) phát hiện ra mình mắc chứng suy thận. Chị phải từ bỏ công việc với tương lai tươi sáng phía trước để “gắn bó” với bệnh viện.

Đã 5 năm quanh quẩn với căn phòng nhỏ và những ca chạy thận, chị Hương vẫn không thể quên cảm giác khi nhận tin dữ. Xoa bóp đôi bàn tay đang phù lên vì 2 ngày chưa được chạy thận, chị tâm sự: “Lúc đó tôi thấy trong người không khỏe nên đi khám. Khi cầm kết quả xét nghiệm thì tôi thực sự sốc vì phải từ bỏ hết mọi việc, cả những dự định tốt đẹp cho tương lai. Tôi đã khóc rất nhiều, chỉ muốn chết ngay lúc đó để được giải thoát”.

Còn chị Trần Thị Huệ (27 tuổi, Phú Thọ) thân hình gầy nhẳng, ốm yếu, trên khuôn mặt nhỏ nhắn xuất hiện nhiều mảng đỏ do triệu chứng của bệnh Lupus ban đỏ - đây cũng chính là nguyên nhân đưa chị tới bệnh suy thận 4 năm nay.

Khi phát hiện mình mắc chứng suy thận cũng là lúc chị Huệ vừa tốt nghiệp xong chuyên ngành Kế toán. Chị chia sẻ: “Tuần chạy thận 3 lần, tôi không đi làm được bởi không ở đâu nhận. Sức yếu cũng không làm được việc gì nặng, tôi sống nhờ tiền chu cấp hàng tháng của bố mẹ”.

Trải qua quãng đời học sinh, sinh viên tươi đẹp để nhớ về âu cũng là may mắn của chị Hương, chị Huệ. Bởi trong xóm nhỏ này biết bao người phải bỏ học giữa chừng vì bệnh tật. Tuổi thơ của Tô Thị Hiền (26 tuổi, Hà Tĩnh) là những chuyến rong ruổi từ Bắc tới Nam cùng thầy lang để có được thang thuốc Nam chữa bệnh. Tự bươn trải kiếm sống từng ngày, chị bỏ học từ lớp 4 - cái tuổi lẽ ra đang được vui chơi, học tập, không phải lo lắng gì.

Chị Hiền cho biết: “Khi học lớp 4 cứ học 1 tháng, tôi phải nghỉ 2 tháng để đi chữa bệnh, nên tôi quyết định nghỉ học vì không theo được các bạn và vì bệnh tật cũng không cho phép”.

Chị Nguyễn Thị Oanh (Sóc Sơn, Hà Nội): “Nhiều lúc ngồi một mình, thấy học sinh đi học, tôi cũng thèm lắm vì phải bỏ học giữa chừng, bỏ những mơ ước để gắn liền với bệnh viện, với những ca chạy thận mà mỗi lần chạy xong là mỗi lần thoát chết. Hôm nay, tôi có thể nói chuyện nhưng cái chết có thể đến với tôi bất cứ khi nào nên chỉ biết cười mà sống thôi”.   Ảnh: Mỹ Nga

Từ một người khỏe mạnh, nhận được bao sự quan tâm, yêu thương của mọi người chị Hương bỗng dưng bị xa lánh sau khi biết tin mắc chứng suy thận. Chị chia sẻ: “Anh em, họ hàng mà tôi từng gắn bó, yêu thương bỗng nhiên thờ ơ, không quan tâm, hỏi han tôi lấy một lời. Họ coi đây như bệnh có thể lây nên luôn tìm cách tránh xa. Thậm chí người em trai ruột mới lớn cũng ngày đêm trách móc vì tôi mà gia đình suy sụp, tôi là gánh nặng cho cả nhà. Những lúc đó huyết áp tôi tăng vọt vì tâm lý bị tác động mạnh”; “Tuy nhiên nhờ tình yêu của bố mẹ, sự động viên từng ngày, em tôi cũng đã hiểu chuyện hơn. Tâm trạng tôi đỡ hơn và bắt đầu nghĩ rằng, sinh ra lành lặn đã là hạnh phúc, tôi phải cảm ơn bố mẹ vì điều đó nên tôi quyết tâm chạy thận để sống quãng đời còn lại sao cho ý nghĩa. Nhiều lúc cũng buồn nhưng tôi sẽ cố gắng vượt qua, sống vì bố mẹ và vì chính mình”.

Chị Nguyễn Thị Oanh (26 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) đôi mắt bỗng đỏ hoe, nước mắt lăn dài trên má, nghẹn ngào khi nhắc tới mẹ và những nỗi khổ mà gia đình gặp phải từ khi chị mắc bệnh: “Mẹ tôi cả ngày bươn chải, bán cà chua trên phố đến chiều tối mới về chỉ để mua cho tôi 3 viên thuốc chữa thận, mỗi viên 72.000 đồng. Mỗi lần mua xong mẹ không còn đồng nào trong túi, vậy mà mẹ luôn yêu thương, động viên để tôi không phải suy nghĩ và bận tâm nhiều. Em gái tôi thi đỗ đại học cũng phải nghỉ vì không có tiền. Nghĩ đến tình cảm, sự yêu thương của mẹ và tất cả mọi người, tôi lại có thêm động lực để sống”.

Tương lai là những ca chạy thận đều như vắt chanh mỗi tuần, xác định sẽ "chung thân" với bệnh, nhưng những cô gí ấy vẫn kiên trì vượt qua để chữa trị, duy trì sự sống bằng trái tim biết yêu thương.

Tô Thị Hiền (Hà Tĩnh): “Sống với bệnh và thuốc nhiều quá tôi quen rồi. Tuy nhiều lúc mệt mỏi trong người, khổ tâm khi sống xa quê, xa mẹ nhưng tôi vẫn gắng sống, bán từng chai nước để kiếm tiền mưu sinh, vì mẹ tôi ở nhà cũng chỉ một thân một mình không ai lo lắng”.    Ảnh: Mỹ Nga

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn