Chiều nay (10/11), Quốc hội thảo luận ở tổ về về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nhiều đại biểu thống nhất với những đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và xác định tầm nhìn và định hướng phát triển với những mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược. Đồng thời, nhiều đại biểu cho rằng, việc lấy ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội XIII tại kỳ họp thứ 10 này cũng được coi như là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng để cùng đóng góp vào định hướng chung phát triển đất nước.
Phát biểu tại tổ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Nhưng mục tiêu này không đơn giản nếu ta không có ý chí, quyết tâm. Mục tiêu cao như vậy, tăng trưởng cao như vậy thì tính khả thi thế nào? Chúng ta còn rất nhiều tiềm lực quan trọng về văn hóa xã hội, khoa học công nghệ.
Theo Thủ tướng, về các đột phá chiến lược không thể tách rời vai trò của khoa học công nghệ, nếu không ta sẽ lạc hậu. Với những vấn đề "thương mại số", 5G, "Chính phủ số"... cần phải làm nhanh. "Tôi kỳ vọng phải đổi mới hơn nữa, đừng để thông tin, quyết sách lạc hậu, không kịp thời", Thủ tướng nói.
Về vấn đề trọng dụng người tài, người giỏi, người có tâm huyết, theo Thủ tướng, phải thu hút người tài xây dựng đất nước, vì cuối cùng vẫn là con người. Trong nhiệm kỳ này phải đổi mới mạnh mẽ trong cách làm, người tài, người giỏi, người đứng đầu bộ máy phải được trọng dụng.
Thủ tướng cũng nêu vấn đề: "Cơ chế nào, cách làm nào chọn nhân tài? Thu hút nguồn lực thì nguồn lực con người rất quan trọng". Thủ tướng cho rằng, khâu đôn đốc, kiểm tra, sự nghiêm túc trong triển khai thực hiện rất quan trọng. Thái độ nghiêm túc thì đất nước mới phát triển, người dân mới có niềm tin được. Các bộ, ngành, địa phương phải gương mẫu, các vấn đề mờ ám, tiêu cực, lợi ích nhóm trong chính sách và hành động cụ thể phải được xử lý nghiêm, ngăn chặn, không để tình trạng mù mờ, không rõ ràng, thiếu niềm tin. Chi bộ, đảng ủy cũng cần trong sáng hơn. Hàng triệu Đảng viên, nếu tất cả làm gương thì chắc chắn sẽ thay đổi rất lớn, niềm tin rất cao. Đặc biệt, đức và tài phải kết hợp, nếu chỉ có đức thì không thể lãnh đạo được…
Với những vấn đề cụ thể, đại biểu Lê Thị Nguyệt, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, đề nghị: Trong phần 1 của dự thảo, báo cáo tình hình thế giới và đất nước trong những năm tới cần bổ sung thêm cụm từ "bất bình đẳng giới cùng với chênh lệch mức sống, giữa thành thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi, hải đảo" vào sau cụm từ xu hướng già hóa dân số nhanh. Đồng thời, vấn đề biển đông cũng nên được xem xét đưa vào Dự báo tình hình để có chủ trương ứng phó cho phù hợp trong tình hình mới.
Về định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, đại biểu Lê Thị Nguyệt cũng đề nghị xem xét tính khả thi của chỉ tiêu về tỷ lệ lao động đã qua đào tạo 70%, để đảm bảo thực hiện được trong thực tiễn.
Còn đại biểu Đỗ Thị Lan, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, đề nghị: Cần đánh giá rõ nét hơn các thành tựu quan trọng đã đạt được trong dự thảo báo cáo chính trị. Đồng thời đánh giá khái quát về thể chế phát triển, trong đó cần quan tâm, có định hướng hoàn thiện thể chế chính sách trong các lĩnh vực như: y tế, dân số, tỷ lệ dân di cư… Đại biểu này cũng bày tỏ sự đồng tình về những đổi mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng giai đoạn mới. Đại biểu đề nghị, trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng đến với đảng viên, quần chúng nhân dân cần phải có định hướng rõ hơn về nội dung tuyên truyền, đảm bảo ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn