"Chưa năm nào lượng khách ít như năm nay"
Anh Nguyễn Văn Hải, chủ một hiệu cắt tóc ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết, bình thường quán của anh có 2 thợ chính và 1 thợ phụ. Vào dịp Tết, anh phải thuê thêm 2 - 3 thợ nữa vì khách quá đông. Thế nhưng năm nay nhu cầu đi làm tóc của mọi người không nhiều. "Vào dịp này năm ngoái, quán tôi làm từ 8h sáng đến 12h đêm vẫn chưa hết việc. Còn năm nay thì ngồi cả ngày chỉ cắt được cho khoảng 10 khách, thi thoảng cũng có người đến làm tóc nhưng không ăn thua. Làm nghề này chủ yếu là kiếm các khoản từ ép, nhuộm, làm xoăn, chứ cắt tóc thì được mấy", anh Hải chia sẻ.
Anh Hải cho rằng, dịch Covid-19 kéo dài khiến thu nhập của nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhu cầu đi làm đẹp vì thế cũng giảm theo. Sang năm Nhâm Dần 2022, anh Hải hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát tốt để công việc của mọi người được thuận lợi hơn. "Năm qua, kinh tế người dân quá khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tôi đã chủ động giảm giá dịch vụ một chút so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều khách hàng quen của tôi thấy lấy rẻ hơn mọi lần họ còn không đồng ý vì cho rằng, năm vừa qua những người làm nghề cắt tóc như tôi còn bị ảnh hưởng nhiều hơn", anh Hải nói.
Khảo sát nhanh ở các tiệm cắt tóc trên địa bàn các quận: Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm…, chúng tôi nhận thấy các tiệm đều vắng vẻ, đìu hiu. Nhiều chủ quán chia sẻ, chưa năm nào gần Tết mà lượng khách ít như năm nay.
Không chỉ các tiệm cắt tóc rơi vào tình trạng vắng khách, tiệm làm nail của chị Lê Kiều Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nếu như vào các dịp Tết trước, mỗi ngày, quán của chị phục vụ 30- 40 khách hàng thì năm nay chỉ còn 3-4 khách. "Nếu trong vài ngày tới mà lượng khách vẫn cứ vắng vẻ như mấy hôm nay, chắc tôi sẽ đóng cửa hàng về quê sớm. Vì thời điểm này dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, có cố gắng ở lại cũng chẳng kiếm được bao nhiêu", chị Kiều Anh chia sẻ.
Sôi động thị trường lao động mùa vụ
Trái với cảnh đìu hiu của các dịch vụ làm đẹp thì thị trường lao động mùa vụ tại Hà Nội lại trở nên sôi động. Bởi đây là giai đoạn các công ty gia tăng sản xuất, kinh doanh để phục vụ dịp Tết. Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính tổng hợp, Công ty cổ phần Vang Thăng Long, cho biết, vào dịp cuối năm, Công ty có nhu cầu rất lớn về nhân sự, đặc biệt là nhân sự mùa vụ cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, lao động rất khan hiếm khi nhiều người không thể quay lại thành phố làm việc, nên việc tìm nhân sự rất khó. Do đó, Công ty buộc phải thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm, phiên giao dịch việc làm kết nối với các tỉnh. Dịp này, Công ty kỳ vọng sẽ tìm được 20-30 lao động mùa vụ, 1 nhân viên cơ điện, 1 thủ kho bao bì phục vụ hoạt động của Công ty tại Hà Nội. "Về mức lương, vị trí nhân viên mùa vụ sẽ được trả mức 200 ngàn đồng/ngày kèm ăn trưa. Còn các vị trí khác sẽ dao động trong khoảng 7-8 triệu đồng/tháng ", ông Vinh cho biết.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết, nhu cầu lao động dịp cuối năm tăng 10%-15% so với giai đoạn các tháng trước. Đặc biệt xu hướng tuyển dụng tăng cao ở các ngành như thương mại dịch vụ, kinh doanh, bán buôn bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị…
Riêng thị trường lao động tại Hà Nội, các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tham gia tuyển dụng trong phiên giao dịch lần này có nhu cầu tuyển 1.210 chỉ tiêu, trong đó có 515 chỉ tiêu việc làm thời vụ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tập trung chủ yếu là vị trí gói giỏ quà Tết, nhân viên bán hàng, nhân viên thu ngân… Các vị trí tuyển dụng yêu cầu trình độ cao như kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng, phó phòng dành cho lao động đã có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu được áp lực công việc cao, mức lương thường trên 10 triệu đồng/tháng. Những lao động chưa có tay nghề hoặc lao động làm công việc thời vụ, bán hàng dịp Tết Nguyên đán, mức lương dao động 5-7 triệu đồng/tháng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn