Nhiều cha mẹ hiểu rõ tác dụng của việc đọc sách đối với tương lai của một đứa trẻ. Vì thế, ngay từ khi con còn nhỏ, họ cố gắng tìm cách giúp con mình yêu thích việc đọc sách. Não bộ của trẻ phát triển nhanh từ 0 – 3 tuổi. Việc kích thích não bộ bằng cách đọc sách cho trẻ nghe trong giai đoạn này sẽ giúp hình thành thói quen yêu thích việc đọc ngay từ sớm.
Dưới đây là những chia sẻ của một số bà mẹ về các phương pháp dạy học để con yêu việc đọc từ nhỏ, hy vọng có ích cho các phụ huynh khác.
Chị Trương Ngọc Dư Trâm (sống tại TPHCM) chia sẻ về những chiến lược giúp con nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách như sau:
- Tại sao phải có chiến lược:
+ Không phải ai biết chữ cũng đọc được sách.
+ Không phải ai đọc được sách cũng nắm được nội dung và kiến thức.
+ Không phải ai nắm được nội dung sách cũng áp dụng được vào cuộc sống.
+ Và không phải đọc sách, đọc truyện nào cũng tốt cho con.
Hãy biến việc đọc sách thành niềm vui.
- 4 chiến lược cụ thể:
+ Chọn sách con thích thay vì sách mình cảm thấy hay: Muốn con đọc nhiều sách, trước tiên hãy chú tâm khơi gợi niềm yêu thích thật sự từ tâm của trẻ một cách tự nhiên. Bằng mọi cách tạo cho con cảm giác con làm vì con thích, không phải con làm vì ba mẹ thấy tốt.
+ Biến sách thành phần thưởng, món quà đáng mong đợi: Hãy biến sách thành món quà đặc biệt nhất. Cho dù thời gian đầu con chưa thật sự thân quen với sách thì ba mẹ vẫn cứ tỏ thái độ hân hoan, phấn khích khi con được tặng sách.
+ Đừng mua quá nhiều sách: Sách có thể mua cho con cả bộ nhưng tuyệt đối không bao giờ đưa cho con hết. Mang dần ra từng cuốn từng cuốn một. Đừng mua nhiều sách mới, hãy để con đọc đi đọc lại một quyển sách cũ. Vì giai đoạn đầu mình đang tạo cho con niềm hứng thú với sách, chứ không phải muốn con học từ sách.
+ Đừng biến đọc sách thành nghĩa vụ: Đừng suốt ngày bắt ép con đến đây mẹ đọc sách cho nghe... đừng để con biết mẹ thích con đọc sách lắm. Không bắt con dừng xem tivi hay việc gì con thích chỉ vì tới giờ đọc sách. Lúc đọc sách nếu con không tập trung, bắt đầu chán thì dừng đọc chuyển sang hoạt động khác, đừng cố ép con.
Từ lâu, chị Phạm Cẩm Vân (28 tuổi, Hà Nội) đã nhận thức được tầm quan trọng của sách đối với sự phát triển toàn diện của con. Vì thế dù con trai mới lên 4 tuổi nhưng mẹ trẻ đã rèn cho con thói quen đọc sách từ rất sớm.
Dưới đây là những bí quyết rèn thói quen đọc sách cho con mà chị Cẩm Vân áp dụng:
- Chị bắt đầu cho con làm quen với các cuốn Ehon (bộ truyện được minh họa bằng tranh ảnh với những nội dung hoặc đề tài hết sức gần gũi). Dần dần chị Cẩm Vân mới bổ sung vào tủ sách của con những cuốn sách đa dạng hơn, đủ thể loại: truyện cổ tích, sách khoa học thường thức, truyện ehon, sách tô màu, sách tương tác...
- Các loại sách thường ưu tiên là những đầu sách về thói quen tốt, lời dạy hay để con phát triển nhận thức đúng đắn với xã hội. Tiếp theo đó là các sách khoa học thường thức, sách tô màu, truyện cổ tích, sách tương tác để bổ sung kiến thức cho con. Cuối cùng mới là những đầu sách rèn luyện tư duy như trò chơi tìm kiếm, trò chơi mê cung, sách có từ vựng tiếng Anh...
- Bố mẹ hãy kiên trì với việc đọc sách cùng con. Thời điểm buổi tối trước khi đi ngủ là khoảng thời gian hợp lý nhất, chỉ mất khoảng 15-20 phút thôi là có thể đọc được 1- 2 quyển truyện nhỏ cho con rồi.
- Khi đọc sách cho con, đừng chỉ đọc những nội dung trên trang giấy mà hãy sáng tạo, hỏi han và tương tác với con bằng mọi cách để kích thích trí tưởng tượng của con trẻ.
- Dù con bạn có hơi hiếu động hoặc tỏ ra không thích sách, xé sách thì trước tiên hãy kiên trì với con. Hãy lựa chọn những đầu sách theo sở thích của con như những bộ sách về ô tô, động vật... Rèn cho con thói quen tốt này cũng là cách mẹ trang bị cho con thêm một điểm cộng khi trưởng thành bước vào đời.
- Con càng lớn càng ham chơi và sẽ có những lúc không đồng ý học bài. Khi đó thì chị Vân thường đánh lạc hướng con bằng các hoạt động khác, ví dụ con không muốn tô màu thì mẹ trẻ dùng sách truyện khác để con tiếp tục học. Nếu con chán sách vở thì chị Vân cho dừng lại việc học, rủ con ra ngoài vận động hoặc đi chơi và xen kẽ với đó là những câu hỏi, giải đố mẹ đưa ra.
Em bé Hina (6 tuổi) hiện đang sống cùng gia đình tại Nhật Bản. Chị Hoa, mẹ của Hina cho biết con gái là người cực kỳ mê sách. Hina tâm sự với mẹ "Nếu có một điều ước thì con ước con không cần ngủ nhưng vẫn khoẻ mạnh để dành hết thời gian 24h đọc thật nhiều sách. Ngủ thật lãng phí thời gian mẹ nhỉ". Câu nói của con gái khiến chị Hoa bất ngờ, dù con nhỏ nhưng cô bé đã có suy nghĩ rất trưởng thành.
Và dưới đây là một số bí quyết của bà mẹ trẻ, hy vọng sẽ có ích cho các bậc phụ huynh nhé:
- Kệ sách đặt những quyển sách phù hợp với bé: Mua các kệ sách vừa tầm với của bé, chọn những quyển sách phù hợp với độ tuổi, sách hình ảnh bắt mắt.
- Chọn không gian đọc sách trong nhà phù hợp, thoải mái: Góc đọc sách là nơi bé thường xuyên có mặt để thời gian tiếp xúc với sách thật nhiều nhất có thể. Thật sự không gian đọc sách rất quan trọng, giúp bé chìm đắm trong những quyển sách một cách nhẹ nhàng và thoải mái, tránh chỗ đi ra đi vào nhiều gây gián đoạn việc đọc sách của bé.
- Mở nhạc không lời nhẹ nhàng: Chọn bản nhạc nhẹ nhàng với âm lượng nhỏ, sẽ giúp thư thái hơn để đọc sách một cách thoải mái tư tưởng nhất. Ngoài ra, nhạc không lời cũng giúp bé học tốt hơn nhờ điệu nhạc nhẹ nhàng.
- Chọn sách theo sở thích của con: Với các bé chưa có thói quen đọc sách và mới bắt đầu bố mẹ nên chọn sách theo sở thích của bé. Khi bé đã quan tâm đến sách thì mở rộng thêm dần dần các lĩnh vực khác. Khi bé tầm 3 tuổi trở đi, mẹ nên bổ sung những quyển sách về các nguyên tắc, quy tắc, cách ứng xử trong cuộc sống để giúp bé hình thành lối sống và hành vi ứng xử đúng đắn, lành mạnh.
- Có mặt mọi lúc mọi nơi khi bé cần đọc sách: Bé bỗng nhiên thích mẹ đọc cho quyển sách nào đó thì dù mẹ có bận mấy cũng cố gắng dừng lại để cùng con đọc sách. Nhiều lúc các mẹ sẽ nghĩ không đọc được lúc này thì tí nữa mẹ đọc cho con có sao đâu. Nhưng với các bé, khi không được đáp ứng trong khoảng thời gian đó thì có thể con sẽ bị dập tắt sự thích thú một cách dễ dàng.
- Cả nhà cùng đọc sách trong một thời gian cố định: Hành động lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ hình thành nên thói quen, từ đó thói quen đọc sách của bé sẽ không sớm thì muộn cũng hình thành.
- Tóm tắt nội dung: Sau mỗi câu chuyện trong quyển sách mà bố mẹ đọc cho, hoặc bé tự đọc, mẹ khuyến khích bé nói lại nội dung quyển sách mà bé đã nhớ (không nên tạo áp lực mà chỉ cần bất cứ gì bé nói cũng được). Khi bé lớn lên thì việc nắm bắt nội dung trong một đoạn văn là rất quan trọng, như giờ Hina 6 tuổi sau khi đọc xong 1 đoạn nào đó là bạn ấy có khả năng tóm tắt nội dung rất tốt luôn.
Hy vọng những thông tin trên sẽ có ích cho các phụ huynh muốn rèn con có thói quen đọc tốt ngay từ khi còn nhỏ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn