Từ gần hai chục năm nay, Hội Việt Nam Dioxin và nhiều hội đoàn Pháp-Việt và Việt-Pháp tại Pháp đã tổ chức những hoạt động nhân đạo trợ giúp các nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam. Ngoài ra, họ còn đánh động đến các cơ quan truyền thông để đưa tiếng nói của các nạn nhân lan tỏa đến đông đảo công chúng và các chính phủ trên toàn thế giới. Qua đó nhằm buộc các tập đoàn hóa học đã sản xuất các chất độc hủy diệt sức khỏe con người và môi trường phải thừa nhận trách nhiệm và bồi thường cho các nạn nhân tại Việt Nam và trên thế giới. Hội đã chọn ngày 10/8 hàng năm là Ngày vì các nạn nhân chất độc da cam.
Hồi đầu thành lập, hội Việt Nam Dioxin chỉ có một nhóm, nay đã có hàng ngàn người ủng hộ và hàng chục các hội đoàn khác tại Pháp cùng tham gia mỗi khi có sự kiện liên quan.
Năm nay do dịch Covid-19, chính phủ Pháp qui định mỗi lần tụ họp không được quá 10 người nên ban tổ chức đã mời hơn 30 nghệ sị đến trường quay tại thành phố Saint Maur des Fossés, ngoại ô Paris để thực hiện một bộ phim video và phát trực tuyến. Họ gồm những ca sĩ, nhạc sĩ, vũ công, nhà thiết kế thời trang, kỹ sư âm thanh, nhà báo, nhiếp ảnh gia… đến từ nhiều nơi để cùng nhau bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân chất độc màu da cam tại Việt Nam, ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga kiện 26 tập đoàn công nghiệp hóa học của Mỹ. Với khả năng và tầm ảnh hưởng của mình, mỗi nghệ sĩ tham gia muốn thay mặt các nạn nhân Việt Nam để đòi lại sự công bằng trước các tập đoàn công nghiệp khổng lồ chuyên sản xuất các chất độc hóa học mang tính hủy hoại sức khỏe con người và môi trường. Tất cả các nghệ sĩ đều rất xúc động được tham gia và tham gia nhiệt tình vào dự án vì sự chính nghĩa này.
Anh Võ Đình Kim - Ban tổ chức hội Dioxin Việt Nam - có cha là người Việt cho biết: "Chúng tôi đã quyết định cần phải làm điều gì đó rất đặc biệt và có tầm lan tỏa cho Ngày vì các nạn nhân chất độc da cam năm nay. Nhờ các nghệ sĩ, chúng tôi có thể đến được với đông đảo quần chúng hơn. Với FaceBook Live, chúng tôi đạt tới 50-60 ngàn lượt người xem".
Giữa tháng 6 vừa qua, tập đoàn công nghiệp hóa học Bayer của Mỹ đã chi 10 tỷ USD để bồi thường cho các nông dân Mỹ do bị ảnh hưởng chất hóa học do Bayer sản xuất, đây cũng chính là đơn vị đã sản xuất chất độc rải xuống miền Nam Việt Nam. "Đây quả là một sự bất công", - anh Kim nhận xét.
Léa Đặng là một nữ nhà báo trẻ, năng động. Cô có ông nội là người Việt. Cô rất xúc động chia sẻ câu chuyện làm quen với Việt Nam và chất hóa học màu da cam được rải xuống Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. "Tôi biết được điều ấy khi đã là sinh viên. Nhờ môn lịch sử, một cơn tức giận bùng nổ trong tôi, cùng lúc là sự xấu hổ. Ông nội tôi là người Việt và tôi là nhà báo, tôi quan tâm nhiều đến thời sự nhưng lại chỉ biết thảm kịch nhân loại đã xảy ra ở Việt Nam khi đã 19 tuổi, đó thật là điều không bình thường", Léa tâm sự.
Những gì diễn ra ở Việt Nam đã để lại những hậu quả khủng khiếp. Léa nói tiếp: "Bởi những đứa trẻ thế hệ tôi và thế hệ sau vẫn còn đang phải chịu nhiều đau đớn". Năm 2017, Léa đã quyết định một mình đến Việt Nam để gặp gỡ các nạn nhân chất độc màu da cam và "chỉ khi ấy tôi mới đối diện với sự thật hãi hùng…". Nữ nhà báo đã gặp nhiều nạn nhân, trò chuyện và chụp ảnh họ để thực hiện phóng sự ảnh. Khi về Pháp, cô làm quen với bà Trần Tố Nga, tham gia hội Việt Nam Dioxin và trở thành phát ngôn viên của hội này.
Có mặt trong nhóm nghệ sỹ đến trường quay, Moubaki là ca sĩ và nhạc sĩ nói: "Tôi ủng hộ dự án này bởi tôi nghĩ là một nghệ sĩ và trên hết là một công dân, cũng giống như những người đang sống cách chúng ta hàng ngàn km, chúng ta đều có mối quan tâm chung để tham gia vào những cuộc chiến vì chính nghĩa để giúp các hội đoàn đưa ra ánh sáng những điều đã xảy ra trong quá khứ".
Trước đây, vấn đề ảnh hưởng chất độc màu da cam rất ít được nói đến dẫu nó đã diễn ra từng ngày từng giờ trong suốt 4 thập kỷ nay. Các nạn nhân thì "thấp cổ bé họng" và một phần do không muốn nhắc đến một quá khứ đớn đau, còn các tập đoàn công nghiệp hóa học thì "một tay che trời", thường dùng tiền để mua sự im lặng. "Quảng bá đến công chúng một phần tối của lịch sử là rất quan trọng để cho phép các nạn nhân được thừa nhận. Đầu tiên là để họ được công nhận là nạn nhân, sau đó là để chuyện gieo rắc chất độc này không còn diễn ra nữa", Moubaki nói.
Anh đã từng đến Việt Nam, anh mong muốn sẽ có thể quay trở lại để khám phá một đất nước rất thú vị và "gây nhiều cảm hứng" này.
Hơn 40 năm đã trôi qua nhưng thứ chất độc màu da cam mà quân đội Mỹ đã trải thảm xuống miền Nam Việt Nam vẫn tiếp tục hoành hành và gây nhiều hậu quả đau thương cho các nạn nhân. Tính riêng Việt Nam hiện nay vẫn còn trên 3 triệu nạn nhân hàng ngày phải đối mặt với những cơn đau đớn về thể xác và tinh thần. Theo khả năng và cách thức của mình, giống như các nghệ sĩ, chúng ta hãy chung tay đồng hành cùng họ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn