Những gương mặt tiềm năng
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, công dân mang hai quốc tịch Mỹ và Nigeria, là Tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bà là người phụ nữ đầu tiên giữ cương vị này. Bà đang được nhắm tới như là một lựa chọn tiềm năng kế nhiệm ông Malpass. Bà Ngozi Okonjo-Iweala được mọi người kính trọng nhờ khả năng lãnh đạo hiệu quả và kinh nghiệm dày dặn trong việc điều hành một tổ chức quốc tế lớn với số lượng thành viên đông đảo. Bà có kiến thức sâu rộng về kinh tế và ngoại giao quốc tế, có 2 nhiệm kỳ giữ chức Bộ trưởng Tài chính Nigeria, nền kinh tế lớn nhất châu Phi. Với WB, bà Ngozi đã có 25 năm làm việc, từng là giám đốc điều hành tại WB giám sát danh mục đầu tư hoạt động trị giá 81 tỷ USD ở châu Phi, Nam Á, châu Âu và Trung Á.
Bà Gayle Smith từng là quản trị viên của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) về phát triển và các vấn đề quốc tế dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama. Bà hiện là Giám đốc điều hành của One Campaign, một tổ chức phi chính phủ tập trung vào việc chấm dứt nghèo đói và bệnh tật có thể phòng ngừa được. Bà từng là Giám đốc Cấp cao về các vấn đề châu Phi tại Hội đồng An ninh Quốc gia từ năm 1998 đến năm 2001, là Điều phối viên của Bộ Ngoại giao về Ứng phó với đại dịch Covid-19 Toàn cầu và An ninh Y tế năm 2021.
Ngoài Smith, tại USAID còn có một gương mặt nữ nổi bật khác là bà Samantha Power, hiện đứng đầu USAID từ tháng 4/2021. Bà là một nhà vận động nhân quyền, nhà ngoại giao và cựu nhà báo. Samantha Power bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là phóng viên chiến trường đưa tin về chiến tranh Nam Tư. Năm 1998, bà trở thành Giám đốc Điều hành sáng lập của Trung tâm Chính sách Nhân quyền Carr tại trường Harvard Kennedy. Với tư cách là một nhà báo, bà từng giành Giải Pulitzer năm 2003 cho cuốn sách "A Problem from Hell", một nghiên cứu về sự thất bại của Mỹ trong việc ngăn chặn một số vụ diệt chủng trong thế kỷ qua trên thế giới. Bà Power từng là Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Barack Obama và Giám đốc Cấp cao về Các vấn đề đa phương và nhân quyền trong Hội đồng An ninh Quốc gia từ tháng 1/2009 đến tháng 2/2013. Bà là Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) từ năm 2013 đến năm 2017. Năm 2016, bà được tạp chí Mỹ Forbes xếp thứ 41 trong danh sách những người phụ nữ quyền lực trên thế giới.
Bà Minouche Shafik là một nhà kinh tế người Mỹ gốc Ai Cập và hiện giữ chức Chủ tịch Đại học London School of Economics. Bà từng là Phó thống đốc Ngân hàng Anh. Bà gia nhập WB và từng đảm nhận nhiều vai trò như: dự báo và lập mô hình kinh tế toàn cầu, các vấn đề môi trường; nghiên cứu kinh tế vĩ mô ở Đông Âu trong quá trình chuyển đổi và ở Trung Đông. Ở tuổi 36, bà Shafik trở thành Phó Chủ tịch trẻ nhất từng làm việc tại WB. Từng là Phó Giám đốc Điều hành IMF từ tháng 4/2011 đến tháng 3/2014, bà Shafik chịu trách nhiệm về công việc của IMF ở châu Âu và Trung Đông với ngân sách hành chính trị giá 1 tỷ USD, quản lý 3.000 nhân viên, hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà hoạch định chính sách trên thế giới. Bà Shafik sẽ trở thành Hiệu trưởng của Đại học Columbia từ ngày 1/7/2023 và cũng là nữ hiệu trưởng đầu tiên kể từ khi trường được thành lập vào năm 1754.
Bên cạnh đó, có một ứng cử viên nam là cựu Giám đốc USAID Rajiv Shah. Ông hiện là chủ tịch của Quỹ Rockefeller, một nhóm từ thiện nhằm thúc đẩy hạnh phúc của nhân loại.
Thách thức chờ đón lãnh đạo mới
13 đời Chủ tịch được bầu của Ngân hàng Thế giới (WB) đều là công dân Mỹ, còn bà Kristalina Georgieva, người Bulgaria, giữ chức Quyền Chủ tịch WB năm 2019.
Sau khi ông Malpass rời đi, tân Chủ tịch WB sẽ phụ trách giám sát hàng tỷ USD viện trợ tài chính cho việc xóa đói, giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, cứu trợ khẩn cấp cùng nhiều vấn đề khác ở các nước đang phát triển. Clemence Landers, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, cho biết các quốc gia đang tồn tại "khủng hoảng niềm tin" vào các tổ chức tài chính quốc tế. Vì thế, chủ tịch kế nhiệm sẽ có nhiệm vụ xây dựng lại niềm tin vốn đã bị lung lay đó. Với những nước đang phát triển, họ lo những cải tổ về hệ thống của WB có thể khiến ngân hàng sao nhãng sứ mệnh cốt lõi là xóa đói giảm nghèo. Các chuyên gia tài chính cho rằng, người kế nhiệm ông Malpass sẽ phải giải quyết những lo ngại đó, bên cạnh đưa ra những thay đổi quan trọng.
Giới chuyên gia nhận định, tân Chủ tịch WB cần phải là người có năng lực cải tổ tổ chức tài chính đa phương này để tập trung nhiều hơn vào cuộc khủng hoảng khí hậu. Ông Jake Schmidt, Giám đốc chiến lược về khí hậu tại Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Mỹ, nhận định: "Sự ra đi của ông Malpass cho phép WB nhấn nút thiết lập lại và cam kết thực hiện vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực tài chính khí hậu. Thế giới cần nguồn tài chính khí hậu ngày càng nhiều để đáp ứng quy mô của cuộc khủng hoảng khí hậu và nhu cầu của các nước đang phát triển".
Trong khi đó, Liên hợp quốc, các nhà lãnh đạo thế giới và một số nhóm môi trường đã hối thúc WB tăng cường nỗ lực giải quyết những thách thức toàn cầu, bao gồm biến đổi khí hậu. Tháng 11/2021, cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về hành động khí hậu Selwin Hart đã chỉ trích WB vì đã "loay hoay trong khi thế giới đang nóng lên" và nói rằng tổ chức này liên tục hoạt động kém hiệu quả trong hành động vì khí hậu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn