Các nước ASEAN đoàn kết chặt chẽ trong cuộc chiến chống Covid-19

19:52 | 09/04/2020;
Ưu tiên của các nước ASEAN trước mắt là phối hợp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Các nước sẽ triển khai nhanh, quyết liệt và nghiêm túc các biện pháp đang áp dụng như giãn cách xã hội, truy soát các nguồn lây nhiễm, cách ly.

Ngày 9/4, Hội nghị lần thứ 25 Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước thành viên ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Hội đồng Điều phối ASEAN, chủ trì hội nghị.

Hội nghị lần thứ 25 Hội đồng Điều phối ASEAN trực tuyến

Hội nghị lần thứ 25 Hội đồng Điều phối ASEAN trực tuyến

Hội đồng Điều phối ASEAN đã trao đổi về phương hướng và biện pháp phối hợp chung của ASEAN để kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan cũng như giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh. Các Bộ trưởng cho rằng, ASEAN cần phát huy tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng nhằm kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh,giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh. ASEAN sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), các nhóm đối tượng yếm thế, đảm bảo an ninh xã hội cũng như xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh. 

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, các Bộ trưởng khẳng định sự cần thiết của việc triển khai nhanh, quyết liệt và nghiêm túc các biện pháp mà nhiều nước đang áp dụng như giãn cách xã hội, truy soát các nguồn lây nhiễm, cách ly.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thông tin và chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam với các biện pháp ứng phó sớm, đồng bộ, linh hoạt và quyết liệt. Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực bước đầu trong kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: ASEAN cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tại khu vực Đông Nam Á, dịch Covid-19 đã lan đến toàn bộ các quốc gia thành viên ASEAN với tổng số ca lây nhiễm là hơn 14.000, 493 ca tử vong. Dịch bệnh cũng tác động đến nền kinh tế các nước ASEAN, nhất là các ngành kinh doanh dịch vụ, vốn chiếm đến 30% tổng GDP của ASEAN, gây gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Nhiều người dân đứng trước nguy cơ bị mất việc làm, an sinh xã hội bị thách thức.

Trước tình hình này, các Bộ trưởng đã thông qua các khuyến nghị của Nhóm Công tác Hội đồng Điều phối ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE): Cần kiểm soát, ngăn ngừa lây lan của dịch bệnh và giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ người dân các nước ASEAN chịu tác động của dịch bệnh, trong đó có hỗ trợ lãnh sự cho công dân ASEAN sinh sống, làm việc và học tập ở các quốc gia thành viên của nhau và ở các nước thứ ba. Nhiều đề xuất cụ thể, thiết thực đã được xem xét như lập Quỹ hợp tác chung của ASEAN ứng phó Covid-19; lập kho dự trữ vật tư y tế thiết yếu, khẩn cấp trong bối cảnh dịch bệnh; ngăn chặn tin tức giả mạo, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng khu vực…

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) về ứng phó dịch Covid-19 sẽ được tổ chức vào ngày 14/4/2020 theo hình thức trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì các hội nghị này trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. Các Bộ trưởng Hội đồng Điều phối ASEAN khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ và với nước Chủ tịch ASEAN, Việt Nam, cũng như với các Đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, để chuẩn bị tốt nhất cho các Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn