Cách đây 8 năm, hai cô con gái sinh đôi của vợ chồng nhà Rahul Gandhi sinh non trong tình trạng hiểm nghèo và ít có cơ hội được sống cuộc sống bình thường.
Nhưng cuối cùng, hai bé gái đã vượt qua thử thách và trở về nhà trong niềm hân hoan của gia đình.
Giờ đây, giống như hàng triệu ông bố khác trên thế giới, Gandhi đang đảm nhận thêm nhiệm vụ tại nhà trong khi nhà chức trách áp đặt biện pháp hạn chế hoạt động để chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Anh Gandhi đang dành thời gian quý báu của mình để khám phá "diện mạo" mới của hai “nàng công chúa” trong khi làm việc tại nhà ở quận Brooklyn, New York (Mỹ) giữa lúc đại dịch COVID-19 hoành hành.
Trước những khó khăn trong khi hỗ trợ con học từ xa, anh đã hiểu hơn về tính cách của các con.
Ông bố 40 tuổi này chia sẻ: “Tôi đã hiểu hơn về những tính tình khác nhau của con ở trường. Trái với tính cách khi ở nhà, một đứa trầm tính và dè dặt trong khi đứa còn lại sôi nổi và tích cực giơ tay phát biểu. Tôi nhận ra những sở thích mà các con đang hình thành dù là nghệ thuật và khoa học hay toán học, cũng như chúng hỗ trợ nhau nhiều hơn tôi tưởng.”
Với những ông bố khác, trong đó có cả những người vốn rất ghét chuyện "nữ công gia chánh," công việc chăm con và chuẩn bị bữa ăn đã trở thành nhiệm vụ mới của họ.
Anh Anthony Bianco, sống tại bang Brisbane (Australia), đã trở thành người chăm sóc chính của hai cô con gái năm nay đã lên 6 và 9 tuổi, trong khi vợ ông làm y tá.
Từ tháng 10 năm ngoái, anh bị mất việc và khi đại dịch xảy ra anh tiếp tục phải ở nhà. Ban đầu, việc trở thành “người mẹ bất đắc dĩ” khi đảm nhận phần lớn các công việc ở nhà, bao gồm cả việc hỗ trợ con học trực tuyến, với anh thật phiền toái.
Tuy nhiên, sau đó tất cả đã trở thành niềm vui với ông bố 46 tuổi này khi cha con họ trở nên gần gũi hơn cũng như nhận ra giá trị của giáo viên.
Ông Craig Garfield, bác sỹ nhi khoa kiêm Giáo sư chuyên khoa nhi và khoa học xã hội-y khoa thuộc Đại học Northwestern ở Chicago (Mỹ), tiến hành nghiên cứu về vai trò của các người cha đối với cuộc sống của con trẻ.
Ông nhận định đại dịch đã thiết lập lại vai trò của các ông bố đối với gia đình và con cái, đồng thời nhấn mạnh: “Đây là cơ hội chưa từng có để các ông bố thật sự gắn kết với con cái bất kể là chơi cùng con, đọc sách hay lăn lộn trên sàn nhà và dành thời gian cho con cái.”
Theo kết quả của một nghiên cứu, 45% các ông bố nói rằng đã dành thời gian chăm con dưới 6 tuổi nhiều hơn thời gian trước khi đại dịch xuất hiện buộc họ phải ở nhà.
Một số nhà nghiên cứu của các trường Đại học Utah, Ball State và Texas-Austin tiến hành thăm dò ý kiến của 1.060 bố mẹ vào cuối tháng Tư vừa qua để đánh giá sự phân công việc nhà và chăm con thay đổi như thế nào kể khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.
Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy 43% các ông bố được hỏi nói rằng đã dành nhiều thời gian hơn để chăm con và 42% trả lời rằng thời gian làm việc nhà nói chung tăng lên.
Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ nói rằng chồng họ tăng thời gian làm việc nhà và chăm trẻ giảm đáng kể, từ 20-34%.
Theo Giáo sư Garfield, tỷ lệ thực tế các ông bố dành thời gian làm việc nhà khả năng là ở mức trung bình của những con số kể trên.
Giữa lúc đại dịch hoành hành, các nhà chức trách khuyến cáo người dân nên ở nhà, đóng cửa các trường học, nhà trẻ cũng như các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, khiến hàng triệu người mất việc.
Điều này gây áp lực không nhỏ đến kinh tế của nhiều gia đình, song lại phá bỏ những rào cản về bất bình đẳng giới tại nhà.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn