Ngày 2/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, trong bối cảnh năm 2019 chuẩn bị kết thúc. Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng cho rằng, qua 11 tháng, có thể nói các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2019 sẽ hoàn thành toàn bộ. Nhiều mục tiêu cán đích sớm.
Tình hình KTXH tháng 11 và 11 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực, thuận lợi hơn, các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục đà phát triển; CPI bình quân 11 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Một thông tin đáng chú ý khác là NHNN đã quyết định tiếp tục hạ 0,5% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên và ngay sau đó, 4 ngân hàng thương mại lớn đã công bố chính sách cho vay mới đối với nhóm khách hàng ưu tiên…
Chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm 2019, Thủ tướng lưu ý các cấp, các ngành không được chủ quan, tiếp tục thực hiện các giải pháp để hoàn thành trọn vẹn các mục tiêu đề ra, phấn đấu đạt cao nhất kế hoạch 2019 ở tất cả các lĩnh vực, các ngành, các địa phương.
Thủ tướng Chính phủ cũng có các chỉ đạo cụ thể với các vấn đề nổi cộm hiện nay, như phải có biện pháp kịp thời để bình ổn giá thịt lợn trong dịp cuối năm; tập trung ngăn chặn sự lây lan, phát tán, tiến tới khống chế dịch tả lợn Châu Phi; quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp hiệu quả để chống tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài để tháo gỡ "thẻ vàng" EU đối với thuỷ sản Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019…
Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11. Trong đó, vấn đề cung-cầu thịt lợn cho thị trường dịp cuối năm được dư luận đặc biệt quan tâm.
Dịch tả lợn châu Phi giảm mạnh từ tháng 6/2019 đến nay. Số lợn buộc tiêu huỷ là 152.000 con, giảm 65% so với tháng 10/2019 và giảm 88% so với tháng 5/2019 – là tháng cao điểm. Đã có hơn 60% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó có 14 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
Giải đáp báo giới về nguồn cung thịt lợn và kiểm soát giá thịt cho tới cuối năm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu hụt khoảng 200.000 tấn. Đồng thời ông cho biết thêm, tại cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh để giảm thiệt hại.
Lãnh đạo bộ NN&PTNT cho biết đã có 6 hội nghị để chỉ đạo, phổ biến, hướng dẫn tái đàn lợn, để nhân rộng các mô hình gia trại, trang trại, doanh nghiệp và tỉnh áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm tăng cường sức đề kháng, do đó hạn chế dịch tả lợn châu Phi. Nhiều địa phương cũng đã chỉ đạo tái đàn có kết quả để cung cấp lợn thịt cho thị trường.
Theo ông Tiến, trong 10 tháng qua, tổng lượng thịt lợn nhập khẩu là 54.000 tấn. Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý tới đây, đồng thời có kế hoạch cho nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia có hiệp định song phương về xuất, nhập khẩu thịt lợn.
Về giải pháp trong thời gian tới, ông Phùng Đức Tiến cho biết Bộ NN&PTNT tập trung làm tới cùng công tác phòng, chống dịch bệnh. Hai là phải tái đàn ở các doanh nghiệp lớn, trang trại, gia trại, hộ gia đình phải cam kết đảm bảo an toàn sinh học. Nhân rộng nhanh các mô hình an toàn sinh học trong sản xuất. Đẩy mạnh chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gia cầm đảm bảo ba nguyên tắc: An toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; cân đối cung cầu; đảm bảo an sinh.
Đặc biệt là ngăn chặn không cho lợn và sản phẩm lợn bán bất hợp pháp qua biên giới và nhập lậu lợn và sản phẩm lợn vào nước ta.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thịt lợn là mặt hàng thiết yếu cần phải đảm bảo thị trường nhất là trong dịp cuối năm và dịp Tết cổ truyền. "Vì vậy chúng tôi luôn theo dõi sát thị trường, cung-cầu mặt hàng thịt lợn nói riêng và thực phẩm nói chung nhằm có những tham mưu ổn định thị trường".
Trong nhiệm vụ đảm bảo về cung cầu mặt hàng này, ông Đỗ Thắng Hải cho biết đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, và các tỉnh, thành – những nơi chăn nuôi nguồn lợn lớn. Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các địa phương, nhất là các địa phương biên giới ở phía bắc và cả phía tây nam để ngăn chặn việc đưa lợn sang nơi khác, ảnh hưởng đến giá cả và thịt lợn ngày càng thiếu hụt.
Đồng thời kiểm soát lợn từ Thái Lan và Campuchia vào Việt Nam, bởi 2 quốc gia này không nằm trong danh sách 24 quốc gia được phép nhập khẩu thịt lợn vào Việt Nam. Vì vậy dễ gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm và lại có khả năng mang dịch bệnh vào trong nước.
Ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, kể cả các doanh nghiệp để nắm bắt được tình hình trong nước, cung-cầu, với các biện pháp phù hợp đảm bảo nguồn cung trong nước". Phối hợp với các doanh nghiệp để đảm bảo được lượng lợn nhập khẩu ở các nước và ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ với các nước đã ký hiệp định thương mại với Việt Nam để đảm bảo nguồn cung về thịt lợn từ nay đến Tết và cả sau Tết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn