Các trường học ở Cameroon bị tấn công vì cuộc khủng hoảng Anglophone

14:59 | 12/11/2020;
Trong những năm gần đây, Cameroon phải đối mặt với cuộc khủng hoảng liên quan đến Anglophone (vùng văn hóa tiếng Anh). Cộng đồng thiểu số nói tiếng Anh (chủ yếu ở các khu vực phía bắc và tây nam của Cameroon) đã nổi dậy đòi độc lập ở quốc gia thuộc khối Pháp ngữ này khiến khu vực này liên tục xảy ra bạo động.

Trong suốt 3 năm qua, cuộc khủng hoảng Anglophone đã khiến nhiều trường học ở Cameroon là mục tiêu của rất nhiều cuộc tấn công. Tuần trước, những kẻ có vũ trang nhắm vào một trường cao đẳng ở thị trấn Limbe. Rồi ở Fundong, 9 đứa trẻ bị bắt cóc trên đường đến trường, nhưng sau đó đã được thả.

Ngoài ra, 12 giáo viên khác và một số học sinh đã bị bắt cóc tại một trường tiểu học và trung học ở thị trấn Kumbo hôm thứ Ba tuần trước. Theo một đại diện của nhà thờ điều hành trường học, 11 giáo viên sau đó đã được trả tự do vào thứ Năm sau đó.

Tháng trước, 15 học sinh ở Bamenda đã bị bắt cóc trên đường đi học về. 6 em sau đó đã được thả tự do vào ngày hôm sau nhưng một số khác phải nhập viện vì bị tra tấn rất dã man.

Nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất. Tại Học viện song ngữ Quốc tế Mother Francisca ở thị trấn Kumba, các tay súng đã giết chết 8 học sinh một cách dã man. Vụ tấn công đã bị lên án ở cả trong và ngoài Cameroon. Tổng thống Cameroon Paul Biya công kích mạnh mẽ những kẻ thủ ác và tuyên bố đây là "vụ giết người kinh hoàng" đối với học sinh.

Không chỉ học sinh là đối tượng của những kẻ thủ ác, một Tổng giám mục 90 tuổi và một đức Hồng y đã nghỉ hưu cũng bị bắt cóc ở gần Kumbo trước khi được thả sau đó 1 ngày. Tổng Giám mục Christian Tumi thường đóng vai trò là người hòa giải trong cuộc xung đột trong quá khứ.

Các trường học ở Cameroon bị tấn công vì cuộc khủng hoảng Anglophone - Ảnh 1.

Các lớp học ở Cameroon bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì xung đột và bạo lực. Ảnh: Reuters

Các nhóm hoạt động nhân quyền ở Cameroon đã cáo buộc cả phe ly khai và lực lượng chính phủ thực hiện các hành động tàn bạo trên diện rộng. Tuy nhiên, vẫn chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm về các vụ tấn công mới nhất.

Ông Matthias Naab, điều phối viên nhân đạo của Liên hiệp quốc tại Cameroon, nói rằng các cuộc tấn công này không liên quan đến chính phủ. Ông Naab khẳng định: "Những vụ việc này là một phần của mô hình bạo lực do các nhóm vũ trang phi nhà nước kêu gọi người dân tẩy chay trường học ở hai miền".

Trong khi đó, Tổng thư ký của Đảng Hành động Bình dân (PAP) Fabrice Lena lại cho rằng, giải pháp duy nhất cho tình trạng bạo lực đang diễn ra là thay đổi chính phủ. Ông Lena chia sẻ với DW: "Trách nhiệm của những hành động tàn bạo và việc trẻ em không được đi học thuộc về chính phủ. Giải pháp lâu dài cho vấn đề này là sự ra đi của Tổng thống Biya".

Ngày 6/11 vừa qua đã đánh dấu 38 năm cầm quyền của Tổng thống Biya. Ông trở thành tổng thống cầm quyền lâu thứ hai trong lịch sử ở châu Phi. Kể từ những năm 1990, ông Biya đã phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ những người nói tiếng Anh ly khai, những người chiếm khoảng 4 triệu trong tổng số 23 triệu dân ở Cameroon.

Trong nhiều năm qua, Tổng thống Biya liên tục từ chối các lời kêu gọi cải cách chính sách và tăng quyền tự chủ hơn từ những người ôn hòa Anglophone, trước khi phe ly khai theo xu hướng diều hâu đơn phương tuyên bố độc lập.

Xung đột đã khiến hàng nghìn học sinh Cameroon không thể trở lại trường khi năm học chính thức được bắt đầu trở lại vào đầu tháng 10/2020. Phụ huynh Cameroon lo lắng và không muốn cho con của mình đến trường trong bối cảnh tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng.

Cô Blessing Orey, cư dân Bamenda, nói với DW rằng cô sẽ đợi cho đến khi tình hình lắng xuống rồi mới cho con của mình đi học trở lại. Những vụ tấn công tàn bạo vừa qua vẫn đang ám ảnh mọi người, từ phụ huynh cho đến các em học sinh.

Các trường học ở Cameroon bị tấn công vì cuộc khủng hoảng Anglophone - Ảnh 2.

Nhiều phụ huynh học sinh ở Cameroon chưa muốn con cái họ quay trở lại trường vì lý do an toàn. Ảnh: AFP

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), gần 850.000 học sinh đã bị tước quyền đi học và hơn 4.000 trường học bị cháy rụi do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Anglophone trong thời gian qua.

Ông Nick Ngwanyam, Giám đốc điều hành của Viện Đại học St. Louis, cho biết rất nhiều học sinh đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công - trực tiếp hoặc gián tiếp và các em cần được tư vấn kỹ lưỡng.

Ông Ngwanyam chia sẻ với DW: "Những đứa trẻ cần được an ủi và trị liệu tâm lý để chúng tôi có thể xây dựng lòng tự trọng của chúng. Yếu tố sợ hãi và lo lắng vẫn còn đó và điều này ảnh hưởng đến cả một thế hệ học sinh ở Cameroon".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn