Trong kỷ nguyên số hóa với tốc độ như "vũ bão" hiện nay, các công nghệ hiện đại đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mọi người.
Công nghệ hiện diện trong nhiều lĩnh vực và mang lại sự nhanh gọn, tiện lợi và hiệu quả trong khi giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân công.
Theo các chuyên gia, các xu hướng công nghệ mang tính đột phá sẽ xuất hiện trong năm 2020 và sẽ góp phần mang lại sự thay đổi mạnh mẽ đối với nhiều lĩnh vực và định hình thế giới tương lai.
Từ e-sim, ôtô điện và AI
Năm 2020, công nghệ sim điện tử (e-sim) sẽ trở nên phổ biến trong các thiết bị điện tử tiêu dùng và Internet kết nối vạn vật (IoT) liên quan đến doanh nghiệp. Người dùng sẽ có thể kích hoạt và thay đổi số điện thoại đăng ký mà không phải chờ thẻ sim mới gửi bằng đường bưu điện hoặc đến cửa hàng để nhận.
Mặc dù hoạt động phân phối kỹ thuật số số thuê bao di động hiện đã được triển khai song việc giới thiệu thương mại e-sim sẽ bắt đầu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ hoạt động bán lẻ vật lý sang bán lẻ kỹ thuật số và một số dịch vụ và ứng dụng mới liên quan tới e-sim sẽ xuất hiện trên thị trường trong năm 2020.
Trước đó, Hiệp hội Thông tin Di động toàn cầu (GSMA) dự đoán e-sim sẽ trở thành một quy chuẩn mới. Ngay sau khi giới thiệu các mẫu điện thoại thông minh mới nhất, công ty công nghệ Google cho biết sẽ tích hợp e-sim vào nhiều sản phẩm hơn trong hệ sinh thái của Google.
Ngoài Google và Apple, nhiều nhà mạng lớn trên thế giới đã tuyên bố tham gia vào làn sóng e-sim. Dữ liệu mạng hiện trên sim truyền thống được chuyển sang thiết dùng e-sim mới và phạm vi sử dụng của e-sim ngày càng được mở rộng.
Cũng trong năm 2020, hầu như các doanh nghiệp sản xuất ôtô lớn đều sẽ tham gia thị trường ôtô điện với những loại ôtô có kích thước lớn hơn với quãng đường di chuyển xa hơn. Với một loạt mẫu ôtô điện mới với kích thước, kiểu dáng đa dạng sẽ “ra mắt” trong năm 2020, giá bán ôtô sẽ giảm khiến nhu cầu của người tiêu dùng gia tăng. Vì vậy, năm 2020 sẽ là một năm đáng chú ý với thị trường ôtô điện khi chính phủ các nước giảm các khoản hỗ trợ trong khi nhu cầu đối với các trạm sạc điện vượt xa nguồn cung.
Trong khi đó, trí tuệ nhân tạo (AI) đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận trong những năm gần đây, nhưng vẫn tiếp tục là một xu hướng đáng chú ý trong năm 2020 vì những ảnh hưởng của AI đối với cuộc sống, cách thức làm việc và vui chơi của con người. Cứ 5 trong số 6 người Mỹ sử dụng dịch vụ AI dưới hình thức này hay hình thức khác mỗi ngày, bao gồm ứng dụng bản đồ, dịch vụ phát video trực tuyến, trợ lý cá nhân trên điện thoại thông minh, trợ lý cá nhân tại nhà và thiết bị nhà thông minh. Ngoài việc sử dụng của người tiêu dùng, AI được sử dụng để lên lịch các chuyến tàu, đánh giá rủi ro kinh doanh, dự đoán bảo trì và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.
AI là một phần của những gì mà chúng ta gọi chung là tự động hóa và đây là một vấn đề đáng chú ý vì có thể dẫn tới tình trạng mất việc làm hàng loạt. Các chuyên gia cho rằng tự động hóa sẽ “xóa bỏ” 73 triệu việc làm vào năm 2030. Tuy nhiên, tự động hóa đồng thời tạo ra việc làm bên cạnh việc xóa bỏ chúng, đặc biệt là trong lĩnh vực AI. Ước tính, các công việc liên quan tới AI sẽ lên tới 23 triệu vào năm 2020.
Đến công nghệ theo dõi sức khỏe và giải trí
Trong khi đó, mặc dù các thiết bị giám sát sức khỏe hiện nay có tính năng theo dõi giấc ngủ, nhưng giấc ngủ không phải là điều mà hầu hết chúng ta có thể phân tích nhiều hơn ngoài thời điểm và thời gian ngủ - và độ chính xác và chất lượng của các thiết bị theo dõi giấc ngủ vẫn có sự khác biệt lớn.
Năm 2020, một thế hệ thiết bị theo dõi sức khỏe mới không chỉ đo nhịp tim và chuyển động của con người mà cả nồng độ oxy trong máu và thậm chí là hoạt động của não. Với những tính năng mới được tạo ra, các đồng hồ đeo tay mới sẽ có thể điều trị chứng ngưng thở khi ngủ cũng như đã xử lý được chứng rối loạn nhịp tim trước đây.
Công nghệ theo dõi chất lượng giấc ngủ sẽ chưa thể hoàn thiện, song sẽ mang lại sự khác biệt về khả năng đo đạc, theo dõi và tối ưu hóa giấc ngủ của con người. Năm 2020 có thể là năm đầu tiên mà các thiết bị điện tử tiêu dùng tiếp cận được độ chính xác các thiết bị y tế.
Trước đây, các chương trình truyền hình như "Friends" đã chi phối các ứng xử trong xã hội và những câu chuyện phiếm trên toàn cầu. Sau đó, kênh truyền hình cáp và vệ tinh HBO và nhà cung cấp dịch vụ truyền hình giải trí theo yêu cầu Netflix đã xuất hiện bên cạnh các dịch vụ truyền hình tương tự mặt đất (analog) và truyền hình cáp vẫn đang phát triển mạnh.
Hiện nay, cuộc chạy đua này đã có sự tham gia các dịch vụ truyền hình giải trí AppleTV+ và Disney+ cùng với những dịch vụ khác sẽ sớm “trình làng” trong thời gian tới. Dự đoán, năm 2020 sẽ nổi ra cuộc chiến của những “ông lớn” cung cấp dịch vụ truyền hình giải trí trực tuyến và nhờ đó chất lượng và nội dung dịch vụ mà người tiêu dùng được hưởng cũng tốt hơn bao giờ hết.
Còn với “mảng” trò chơi điện tử (game), giới chuyên gia công nghệ nhận định, năm 2020 sẽ là một năm đáng chờ đợi đối với các game thủ. Apple mới đây đã ra mắt dịch vụ game thuê bao trực tuyến Arcade và ngay sau đó đến lượt Google "trình làng" dịch vụ trò chơi điện tử đám mây Stadia. Cả hai ứng dụng này đều là ví dụ điển hình cho sự đổi mới của ngành công nghiệp game.
Apple Arcade cho phép người đăng ký truy cập vào tất cả dịch vụ độc quyền của họ để tải xuống và chơi game ngoại tuyến. Google Stadia dựa trên phát trực tuyến và thay thế sức mạnh máy tính nội bộ bằng máy tính đám mây. Năm 2020 sẽ chứng kiến Apple và Google tăng cường dấu ấn trong lĩnh vực game và tạo ra thách thức mới đối với các đối thủ lâu nay "thao túng" thị trường game thế giới như Xbox của Microsoft và PlayStation của Sony.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có viễn thông, dự kiến cũng sẽ tham gia thị trường “béo bở” trong năm 2020.
Trong khi đó, nền tảng cho sự phát triển của các công nghệ trên là mạng di động thế hệ thứ năm (5G) được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa hệ thống thông tin liên lạc, cùng với nhiều lĩnh vực khác như giao thông đô thị. Tuy vậy, công nghệ 5G hiện vẫn chưa đáp ứng được những mong đợi của các nước do sự chậm trễ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại nhiều nơi. Trong năm 2020, xu hướng công nghệ này sẽ được đẩy nhanh do có thêm nhiều nước lắp đặt các trạm và thiết bị kết nối 5G.
Theo các nhà nghiên cứu, việc triển khai 5G vào năm 2020 sẽ mang đến nhiều cơ hội lớn hơn cho môi trường số hóa rộng rãi trong tương lai.
Theo cuộc khảo sát của Rysavy Research về sự phát triển mạng 5G vào năm 2020, công nghệ 5G sẽ làm thay đổi hệ thống mạng không dây bằng việc tăng cường triển khai hạ tầng cơ sở.
Báo cáo trên cũng dự đoán rằng, mạng 5G sẽ đóng vai trò là nền tảng của một môi trường hoàn toàn số hóa được tạo ra bởi những chiếc xe tự lái, thành phố thông minh, máy tính có thể đeo được và những công nghệ mới khác.
Mạng 5G sẽ đóng vai trò thúc đẩy tăng lượng truy cập mạng không dây cố định, các video độ phân giải siêu nét, hệ thống chăm sóc sức khỏe, chơi game trên điện toán đám mây, hệ thống trường học, thành phố thông minh...
(TTXVN/Vietnam+)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn