Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là bệnh ở phổi nghiêm trọng khiến bạn khó thở theo thời gian. Theo số liệu thống kê, COPD là nguyên nhân gây tử vong xếp thứ tư ở Hoa Kỳ. Hơn 12 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh, ước tính có thêm 12 triệu người có thể mắc bệnh và thậm chí không biết về nó.
Các triệu chứng bệnh COPD bao gồm ho liên tục, khó thở trong khi thực hiện các hoạt động hàng ngày, không thể hít thở sâu và thở khò khè. COPD phát triển chậm và có thể xấu đi theo thời gian. Do tính chất chậm của bệnh ở giai đoạn đầu nên ban đầu có thể khó phát hiện. Điều này làm cho việc hiểu các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc COPD ở người cao tuổi càng trở nên cần thiết hơn.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở người lớn tuổi thường do tiếp xúc lâu dài với các chất kích thích đường thở như khói thuốc lá và ô nhiễm. Tuy nhiên, còn có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc COPD ở người cao tuổi khác như đặc tính di truyền, tuổi tác.
Hút thuốc là nguyên nhân phổ biến nhất của COPD và chiếm 9/10 trường hợp tử vong liên quan đến căn bệnh này. Khói thuốc lá làm cho các phế nang dày lên và cuối cùng làm thoái hóa thành giữa các túi khí riêng lẻ. Hút thuốc cũng gây ra dày và viêm phế quản (ống dẫn không khí đi đến phổi của bạn).
Thuốc lá cũng gây tích tụ chất nhầy trong phế quản, khiến chúng bị thu hẹp hơn. Những người hút thuốc, đặc biệt là người từ 40 tuổi trở lên nên nhận thức được đây chính là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc COPD ở người cao tuổi.
Những người lớn tuổi tiếp xúc lâu dài với một số hóa chất, bụi hoặc khói gây kích ứng phổi có nguy cơ mắc COPD cao hơn.
Các hóa chất cụ thể thường là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc COPD ở người cao tuổi bao gồm:
Bụi than
Bụi nông nghiệp (đặc biệt là những bụi liên quan đến lợn)
Bụi dệt bông
Khói hàn
Bụi nhà máy
Những người thợ làm bánh làm việc với những nguyên liệu mà họ dị ứng
Ở một số người, COPD là do tình trạng di truyền được gọi là thiếu hụt AAT. Những người thiếu hụt ATT ở cả người trẻ lẫn người cao tuổi đều có nguy cơ cao mắc COPD ngay khi họ chưa bao giờ tiếp xúc với các chất ô nhiễm.
Hầu hết mọi người không gặp phải các triệu chứng của COPD cho đến khi họ trên 35 tuổi. Vì vậy, chính bản thân tuổi tác đã là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc COPD ở người cao tuổi.
Nếu bạn đã trên 40 tuổi (độ tuổi được nghiên cứu dễ khởi phát COPD), bạn cần thực hiện nhiều biện pháp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của COPD nếu đã mắc phải. Bạn lớn tuổi và có thói quen hút thuốc lá, tốt nhất nên ngừng hút thuốc ngay lập tức bởi sự kết hợp của 2 yếu tố này gây nguy cơ cao mắc COPD.
Người lớn tuổi bị hen suyễn dù chưa từng hút thuốc cũng có nguy cơ cao mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nghiên cứu cho thấy, nguy cơ mắc COPD ở người lớn tuổi mắc bệnh hen suyễn cao gấp 12 lần so với người không bị.
Bởi hen suyễn là một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc COPD ở người cao tuổi, nên cần kiểm soát bệnh như một chiến lược bảo vệ bản thân trước các biến chứng của hen suyễn; trong đó bao gồm cả COPD.
Nhiễm trùng phổi nặng do vi rút và vi khuẩn khi còn trẻ có liên quan đến việc giảm chức năng phổi; làm tăng các triệu chứng xấu về hô hấp khi lớn tuổi; là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc COPD ở người cao tuổi.
Các loại nhiễm trùng phổi mãn tính như bệnh lao cũng đặc biệt có liên quan đến COPD, nhất là ở người cao tuổi. Ngoài ra, nếu người lớn tuổi nhiễm vi rút suy giảm miễn dịch (HIV) cùng làm tăng tốc độ phát triển của COPD do các yếu tố khác gây ra.
Viêm phế quản – một bệnh nhiễm trùng của phế quản có thể trở thành mãn tính, đặc biệt nếu bạn lớn tuổi và có thói quen hút thuốc lá.
Nhiều nghiên cứu cho thấy giới tính cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc COPD và phụ nữ thường mắc hơn so với nam giới. Nữ giới có các triệu chứng nghiêm trọng hơn, mắc bệnh lâu hơn và có nguy cơ tử vong do COPD cao hơn nam giới; mặc dù họ hút thuốc ít hơn nam giới.
Điều này có thể là do trọng lượng cơ thể và kích thước phổi của phụ nữ thường thấp hơn, dẫn đến tác động mạnh hơn của các bụi ô nhiễm khi hít vào. Ngoài ra, nó cũng có thể liên quan đến các yếu tố khác, chẳng hạn như sự khác biệt về miễn dịch hoặc nội tiết tố.
Nguồn dịch: https://www.verywellhealth.com/copd-causes-risk-factors-914865
https://www.caringseniorservice.com/blog/copd-risk-factors
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn