Cách chị em thoát hiểm nếu kẻ gian đột nhập

17:58 | 27/09/2016;
Thời gian gần đây liên tục xảy ra thảm án với nhiều phụ nữ, trẻ em bị kẻ thủ ác sát hại khiến không ít chị em lo lắng, bất an. Các chuyên gia bật mí những kỹ năng bỏ túi để giúp chị em đảm bảo tính mạng, thoát bàn tay kẻ ác.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm cũng như nắm bắt tâm lý của kẻ phạm tội, Trung tá Đào Trung Hiếu, nguyên Đội phó Đội điều tra trọng án, Phòng CSHS Công an Hà Nội đã chia sẻ những kỹ năng giúp nạn nhân thoát hiểm khi có kẻ gian đột nhập.
dao-trung-hieu.jpg
Trung tá Đào Trung Hiếu trong lần bắt, khám xét vụ đa cấp MB24 tại Hà Nội năm 2012
Đã nhiều lần chia sẻ về vấn đề này, nhưng lần nào Trung tá Hiếu cũng nhấn mạnh việc tính mạng quý hơn tài sản. Đặc biệt, với chị em, nhiều người hay tiếc của theo kiểu của đau con xót nên tìm mọi cách kháng cự hoặc giành giật lại tài sản, hô hoán…Theo chuyên gia này, đó là việc làm thiếu khôn ngoan và dễ dẫn đến những hậu quả đau thương. Bởi lẽ, khi kẻ gian đột nhập thì thường mục tiêu đầu tiên và xuyên suốt của chúng là tài sản, của cải chứ không hẳn là việc ra tay sát hại người. Nên để đảm bảo tính mạng, hãy đáp ứng yêu cầu về vật chất cho chúng.

“Nếu ở vùng nông thôn, khuôn viên nhà rộng khi nghe thấy tiếng động có thể là trộm, tuyệt đối không nên ra ngoài xem xét. Cách tốt nhất là áp tai xuống đất nghe ngóng, theo dõi qua khe cửa. Với trường hợp nhà có phòng, cửa kiên cố thì đưa người già, trẻ nhỏ, phụ nữ bí mật vào trong phòng rồi khóa cửa lại để đảm bảo an toàn. Sau đó bật sáng hệ thống điện nội bộ để báo động cho hàng xóm biết và có thể khiến kẻ gian hoảng sợ, rút lui”, Trung tá Đào Trung Hiếu nói.

“Trong tình huống một mình ở nhà thì tảng lờ coi như ngủ say. Nếu đối tượng bắt đưa tài sản thì cách ứng xử khôn ngoan nhất là ngoan ngoãn thực hiện theo yêu cầu, không được manh động tri hô, la hét”, chuyên gia này nói.
an-2.jpg
 Nếu được trang bị kỹ năng, có thể sẽ thoát khỏi những thảm án đau lòng
Một chuyên gia về tâm lý tội phạm (đề nghị không nêu tên) phân tích thêm, mặc dù mục đích của kẻ gian là lấy tiền của. Tuy nhiên ẩn sâu tâm lý kẻ gian là sợ bị phát hiện, bị bắt giữ, bị tù tội nên lúc đó việc hành động theo bản năng của họ rất cao. Nếu nạn nhân phản ứng không đúng cách, khơi dậy bản năng đó của tội phạm thì rất dễ dẫn đến những hành động tàn độc, giết người bịt đầu mối hoặc "đuổi cùng giết tận" nhằm xóa dấu vết. “Nhiều vụ việc đau lòng vừa qua nạn nhân thường vô tình khơi dậy bản năng tự vệ, kích hoạt nỗi sợ hãi bị lộ của kẻ gian khiến hắn trở nên tàn độc hơn bao giờ hết”, chuyên gia này phân tích.
 
Một cựu cảnh sát hình sự hiện đang làm tại công ty cung cấp vệ sĩ cho hay, nếu trộm đột nhập nhưng trong nhà chỉ có một mình, phải đóng chặt cửa phòng ngủ, giả vờ gọi to người bên cạnh. Ngoài ra, nhanh chóng gọi điện thoại báo cho cơ quan công an. Đối tượng thấy nguy hiểm sẽ tự rút lui theo lối chúng vào nhà.

Trường hợp bị khống chế, phải tuyệt đối phục tùng, làm theo tất cả những yêu cầu của chúng, không để chúng có cảm giác bất an hay kích động chúng. Hãy ngoan ngoãn chỉ nơi để ví, túi xách, đọc mã số hoặc tự mở két sắt cho chúng, phải cho chúng có một số ít tiền hoặc gì đó để ra đi.

Ghi nhớ
Phương châm ứng xử trong tình huống bị đột nhập, ưu tiên số 1 là phải bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe của bản thân và gia đình. Không vì tâm lý luyến tiếc tài sản mà ứng xử manh động, dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. 

Nên nhớ “phòng hơn chống”. Việc chủ động phòng ngừa sẽ vô hiệu hóa hoặc giảm thiểu thiệt hại trong các vụ trộm đột nhập. Trước hết, các hộ gia đình cần gia cố cửa nhà, kể cả cửa ban công, sân phơi cũng phải chắc chắn và đóng khoá cẩn thận, sử dụng các loại khóa có chức năng chống trộm, khóa trong để chống cắt phá khóa.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn