Theo các chuyên gia Cục An toàn thực phẩm hiện nay các loại dầu thực vật có nhiều loại phổ biển như: dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu oliu, dầu ngô, dầu vừng, dầu hạt cải, dầu cọ, dầu dừa, dầu đậu phộng.
Mỗi loại dầu trên có tỷ lệ thành phần axit béo no và axit béo không no rất khác nhau. Loại dầu nào có tỷ lệ axit béo không no nhiều thì loại dầu đó tốt hơn. Theo khoa học nghiên cứu thì dầu oliu là tốt nhất cho sức khỏe sau đó đến dầu vừng, dầu ngô, dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu hạt cải, dầu cọ, dầu dừa.
Ảnh minh họa
Mỗi loại dầu ăn đều có “điểm bốc khói” khác nhau, hiểu rõ đặc tính này của dầu ăn bạn sẽ dễ dàng chọn lựa loại dầu thích hợp cho từng phương thức nấu ăn của mình. "Điểm bốc khói" là nhiệt độ mà dầu bị phân hủy, bốc khói và sản sinh các hợp chất độc hại.
Khi nấu nướng (đặc biệt là chiên), nếu nhiệt độ vượt quá "điểm bốc khói", dầu sẽ bị cháy và có mùi khét, làm cho các thành phần dinh dưỡng trong thức ăn bị phá hủy. Các loại dầu đậu nành, dầu mè, dầu ô-liu giàu dinh dưỡng có điểm bốc khói thấp phù hợp để ướp thực phẩm, trộn salad, nấu súp... Còn các loại dầu tinh luyện như dầu cọ, dầu hạt cải... được chiết xuất bằng nhiệt, loại bỏ nhiều axit béo nên có điểm bốc khói cao, thích hợp với các món chiên xào.
Vì vậy theo các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi gia đình nên "trang bị" hai loại dầu ăn trong bếp để dễ dàng linh hoạt chế biến các món ăn. Đó là dầu tinh luyện dùng để chiên, rán và dầu đậu nành, dầu mè, dầu ô-liu để ướp, trộn salad, giúp bữa ăn an toàn và tăng cảm giác ngon miệng.
Về mặt cảm quan, dầu ăn có chất lượng tốt thường có màu vàng sáng, trong suốt, mùi thơm nhẹ, hơi sánh. Về nguồn gốc, người nội trợ không nên ham rẻ mà dùng dầu ăn không nhãn mác, không đề cập hạn sử dụng. Các loại dầu này thường có hại cho sức khỏe, không đảm bảo vệ sinh, thậm chí là dầu dùng đi dùng lại nhiều lần.
Theo kinh nghiệm của chị Nguyễn Minh Hoà, phường Bến Nghé, Q.1 :”Để chọn được loại dầu tốt, tôi đã thử khá nhiều loại. Khi mua về sử dụng tôi để chai dầu vào ngăn mát tủ lạnh và quan sát. Nếu loại dầu nào bị đông đặc hoặc tạo nhũ thì chứng tỏ loại đó chứa nhiều axit béo no, không tốt cho sức khỏe. Sau vài lần thử tôi đã chọn được loại dầu ăn tốt nhất phù hợp với gia đình mình".
Ngoài ra, chất lượng dầu ăn còn thể hiện ở mùi vị, màu sắc, độ trong. Bạn hãy lấy một chiếc đũa sạch chấm vào dầu, rồi nhỏ vào lòng bàn tay sau đó dùng một ngón tay di miết, dàn dầu ra lòng bàn tay rồi đưa lên mũi ngửi. Dầu có chất lượng tốt có mùi bình thường, đặc trưng rõ rệt của từng loại dầu, không ôi, không hôi, không khê, không khét, không có mùi lạ, mùi khó chịu gì khác. Bên cạnh đó, với loại dầu ăn có phẩm chất cao, hàm lượng nước và tạp chất có rất ít thì sẽ trong suốt.
Khi chọn mua, người tiêu dùng cũng nên chú ý lựa chọn sản phẩm dầu ăn của nhà sản xuất có uy tín vì chúng được sản xuất với công nghệ tốt, chất lượng được kiểm nghiệm chặt chẽ và được các cơ quan chức năng kiểm tra, chứng nhận.
Cách bảo quản dầu ăn
Nên để dầu ăn vào lọ sành, chai, không nên để vào lọ bằng kim loại như sắt, đồng, nhôm, vì chúng thường làm cho dầu bị hỏng, nhất là lọ đồng... Lọ đựng dầu ăn phải sạch sẽ và khô ráo, nắp kín. Nếu có nước trong lọ hoặc nước bên ngoài lọt vào, hoặc vi khuẩn cùng với không khí thâm nhập vào sẽ làm dầu ăn chóng hỏng. Các bà nội trợ cũng có thể cho ít muối rang nóng vào dầu ăn theo tỷ lệ 40 : 1 để muối hấp thụ thành phần nước, làm cho dầu ăn tươi màu và thơm.
Tia tử ngoại và tia hồng ngoại trong ánh nắng có tác dụng thúc đẩy quá trình oxy hoá và hình thành các chất có hại, vì vậy nên để dầu vào chỗ râm mát. Ở nhiệt độ 10 đến 15 độ C cất giữ dầu ăn là tốt nhất, cao nhất không được quá 35 độ C.