Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Phương Hải tư vấn một số mẹo để chọn thực phẩm an toàn:
- Xin ông cho biết, thế nào thì được coi là thực phẩm an toàn?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thực phẩm đạt mức an toàn là khi không chứa hoặc chứa hàm lượng ở mức chấp nhận được các chất ô nhiễm hay vi khuẩn mà bình thường có thể gây nhiễm độc, hoặc bất kỳ chất nào khác có thể khiến thực phẩm trở nên có hại cho sức khỏe.
Nói cách khác, thực phẩm an toàn là loại thực phẩm cung cấp các chất dinh dưỡng phù hợp, thiết yếu mà không gây hại cho sức khỏe của người sử dụng do các loại ô nhiễm hóa chất, ô nhiễm sinh học hay các hình thức ô nhiễm khác gây ra.
- Ông có thể cho biết một số mẹo để chọn thực phẩm an toàn?
Trước hết, nên chọn những nhà cung cấp, những nhà sản xuất có uy tín đã được công bố chất lượng sản phẩm trên thị trường và chọn những sản phẩm tươi ngon. Người tiêu dùng cũng nên chọn những cửa hàng bán rau sạch, thực phẩm sạch để mua.
Đối với những loại thực phẩm sạch, chọn sản phẩm có đăng ký về tiêu chuẩn chất lượng, hàm lượng các vi chất tồn dư trong thực phẩm. Chúng ta chọn nơi chuyên bán thực phẩm sạch có uy tín thì sẽ giảm được nguy cơ mua phải thực phẩm không an toàn.
Người tiêu dùng ra chợ mua thực phẩm của người bán, tiểu thương thì rất khó để nhận biết đâu là thực phẩm sạch vì chúng ta không thể biết được rau tồn dư bao nhiêu thuốc trừ sâu, thịt còn bao nhiêu thuốc tăng trọng trong đó. Do đó người tiêu dùng nên lựa chọn những cửa hàng đã có đăng ký về chất lượng, đầu vào sản phẩm đều là của nhà cung cấp có uy tín.
- Vấn đề an toàn thực phẩm đang đặt ra với nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là với thực phẩm thịt tươi sống. Xin ông cho biết cách chọn thực phẩm tươi sống an toàn?
Đối với thực phẩm được bán ở cửa hàng, siêu thị, nên chọn các thực phẩm được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp với sản phẩm. Ví dụ như thịt, thủy sản được giữ lạnh đông hoặc để trong đá lạnh, trứng được để ở nhiệt độ mát. Nếu phải mua thực phẩm ở chợ truyền thống, nên tránh các quầy bán hàng gần khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao như cống rãnh thoát nước thải, khu vực có rác thải, gần nhà vệ sinh. Nên chọn các quầy hàng được bày riêng biệt các loại rau, củ, quả với các loại thịt, sản phẩm gia cầm và thủy hải sản.
Đối với thịt nên chọn loại có màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, vết cắt có màu sắc bình thường, khô. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, màng ngoài nhớt. Tránh các loại thịt có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.
Đối với thịt chế biến sẵn như thịt quay, giò, chả phải thận trọng, chỉ nên mua ở những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, quầy bán đảm bảo vệ sinh. Không nên mua nếu sản phẩm không được bảo quản trong tủ che đậy kín, hoặc có mùi lạ. Đối với các loại thủy, hải sản, nếu có thể nên chọn các loại thực phẩm tươi, còn sống, hoặc nếu không còn sống phải được bảo quản trong đá lạnh dù là bán trong siêu thị hay ở chợ truyền thống.
- Vậy, những sản phẩm nào người tiêu dùng không nên mua?
Người tiêu dùng không nên mua thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là các loại ngũ cốc, hạt có dầu như đậu, lạc khi mốc có thể chứa độc tố vi nấm như aflatoxin gây ung thư gan. Rau, củ, quả có mùi lạ của hóa chất bảo vệ thực vật; thịt, thủy hải sản có mùi lạ của thuốc thú y. Các loại phụ gia thực phẩm như chất bảo quản, phẩm màu, đường hóa học đóng gói không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc.
- Bên cạnh việc chọn thực phẩm an toàn, thì có cách nào để nhận biết thực phẩm bẩn không?
Thực phẩm bẩn thì dễ dàng nhận biết hơn. Chúng ta nhìn thấy mớ rau ngoài chợ tươi non quá, đấy là một nguy cơ rất cao nhiễm thuốc kích thích tăng trưởng. Thịt cá ngoài chợ nhìn không được tươi ngon nữa là khi mắt cá không trong, có mùi lạ, không còn tươi. Đặc biệt chú ý các loại thịt tươi hồng. Thịt mua buổi chiều mà tươi hồng khi đó không phải là thời điểm mổ lợn mới, thì chắc rằng họ đã sơ chế để thịt trông như tươi mới. Thí dụ đơn giản như vậy để bạn dễ hình dung, đây chính là những thực phẩm bẩn.
- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn