Nhiều người lớn vẫn lầm tưởng trẻ em có khả năng tự phục rồi rất nhanh chóng sau tổn thương. Song, sau nhiều năm nghiên cứu, Tiến sĩ Bruce D. Perry và các đồng sự đã chỉ ra một sự thật: Khi gặp phải sang chấn, trẻ em mới chính là đối tượng phải chịu những tác động nghiêm trọng và lâu dài hơn cả, có khi kéo dài cả đời.
Với vai trò bác sĩ tâm thần nhi, Tiến sĩ Perry đã nghiên cứu cũng như điều trị cho vô số trẻ em từng trải qua sang chấn - từ việc bị ngược đãi, bạo lực, lạm dụng nghiêm trọng, cho đến bị bỏ bê hoặc chứng kiến tội ác kinh hoàng - và ông nhận ra một điều rằng: Trẻ em không hề "tự phục hồi" như người ta vẫn nghĩ. Tất cả các sự kiện gây sang chấn đều tạo ra những tác động phức tạp, khó lường và kéo dài đối với các em. Những gì các em không biểu đạt, chia sẻ được bằng lời sẽ được biểu lộ qua các phản ứng bản năng mang tính cực đoan, không phù hợp độ tuổi - thường khiến người lớn nhầm tưởng các em mắc các khiếm khuyết bẩm sinh về thể chất hoặc các chứng rối loạn tâm lý.
Trong quá trình hành nghề, Perry nhận ra, hiếm có đứa trẻ nào hoàn toàn chưa gặp phải sang chấn. Theo ước tính, khoảng 40% trẻ em Mỹ sẽ gặp ít nhất một trải nghiệm có khả năng gây sang chấn trước khi bước vào tuổi 18, bao gồm việc mất mát người thân, bị bỏ bê, bị xâm hại tình dục, đối mặt với thiên tai hay một tai nạn nghiêm trọng, sống trong bạo lực gia đình hay các tội ác bạo lực khác…
Cuốn sách Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó do Tiến sĩ Perry và nhà báo Maia Szalavitz thực hiện đã chọn lọc những ca bệnh điển hình trong quá trình làm việc và nghiên cứu, được sắp xếp theo trình tự thời gian, cung cấp một cái nhìn tổng quan về sự phát triển của lĩnh vực tâm thần nhi. Theo đó, tác giả không chỉ lật đổ quan niệm sai lầm về khả năng tự phục hồi ở trẻ em mà còn cho thấy tác động của sự vô tâm, nghèo đói, bạo lực, lạm dụng tình dục… có thể hủy hoại những nhân cách còn non trẻ và những bộ não đang trong quá trình phát triển ra sao.
Trong một số chương trình truyền hình liên quan đến tâm lý tuổi mới lớn, khi được hỏi các em cần điều gì ở cha mẹ, phần lớn câu trả lời chính là thời gian. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng điều kiện tài chính là quan trọng nhất để nuôi dạy con trẻ mà quên đi việc dành thời gian bên con. Thế nhưng, chính sự quan tâm và tình yêu thương mới là liều thuốc tốt nhất cho sự phát triển của trẻ. Điều này càng đặc biệt quan trọng đối với trẻ em gặp sang chấn.
Theo Tiến sĩ Perry, càng có nhiều mối quan hệ lành mạnh thì một đứa trẻ càng có nhiều khả năng hồi phục sau sang chấn và phát triển mạnh mẽ. Các mối quan hệ chính là tác nhân của sự thay đổi và liệu pháp hiệu quả nhất chính là tình yêu thương của con người.
Trong cuốn sách Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó, Tiến sĩ Perry nhấn mạnh: "Những đứa trẻ rắc rối thường phải chịu đựng một nỗi đau nào đó - và nỗi đau khiến người ta trở nên dễ nổi cáu, lo âu và hung hăng. Không hề có phương pháp chữa lành ngắn hạn thần kỳ nào cả, mà chỉ có sự chăm sóc một cách kiên nhẫn, yêu thương và nhất quán mới mang lại hiệu quả. Điều này đúng với một đứa trẻ 3, 4 tuổi và cũng đúng với một thiếu niên".
Ngay sau khi xuất bản, Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó đã nhanh chóng được độc giả đón nhận với nhiều phản hồi tích cực. Đến nay, cuốn sách đã được dịch ra hơn 15 ngôn ngữ và được đưa vào giảng dạy trong nhiều chương trình đại học.
Tiến sĩ, bác sĩ Bruce D. Perry sinh năm 1955, là giảng viên, chuyên gia lâm sàng và nhà nghiên cứu tích cực về sức khỏe tâm thần của trẻ em và khoa học thần kinh ở Mỹ. Nghiên cứu của ông về tác động của việc lạm dụng, bỏ bê và chấn thương đối với bộ não đang phát triển đã tác động đến thực hành lâm sàng, các chương trình và chính sách trên toàn thế giới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn