Trong thời gian “bão giá” như bây giờ, mọi thứ đều trở nên đắt đỏ, việc cân đối chi tiêu sao cho có thể sống thoải mái, vẫn tích lũy tiền được như trước, chi tiêu tri ân ngày lễ như 20/10 không bị ảnh hưởng là bài toán khó với nhiều gia đình.
Cùng gặp Kiều Trinh, hiện tại đang sinh sống tại Hà Nội để hiểu hơn về quan điểm cũng như cách cô phân bổ chi tiêu gia đình trong thời gian này. Gia đình cô có 4 thành viên bao gồm vợ chồng, 1 bé trai 5 tuổi và 1 bé gái 1 tuổi. Vợ chồng Kiều Trinh làm kinh doanh nên thu nhập hàng tháng không cố định, khoảng từ 50-100 triệu đồng.
Hiện nay, gia đình Kiều Trinh đang sống cùng ông bà nội, do vậy được hỗ trợ khá nhiều mặt bao gồm tài chính. “Vợ chồng mình may mắn ở cùng với ông bà nội. Ông bà giúp đỡ rất nhiều trong việc trông 2 bé nhất là bé thứ 2 mới 1 tuổi. Vì vậy mình cũng đỡ 1 khoản chi phí thuê nhà, chi phí cho bé thứ 2 đi nhà trẻ hoặc chi phí thuê giúp việc chăm bé”.
Mỗi tháng, gia đình cô sẽ chi tiêu khoảng 20-25 triệu đồng và tiết kiệm khoảng 30-50% thu nhập tuỳ tháng. Dù ở với ông bà, nhưng gia đình cô ăn riêng. Do vậy, Kiều Trinh thường sẽ đi siêu thị vào những ngày cuối tuần để mua thức ăn. Có sẵn thức ăn trong tủ lạnh đỡ phải nghĩ đến việc tối nay ăn gì, và việc quản lý khoản chi cho thực phẩm sẽ trong tầm kiểm soát tốt hơn, không bị vượt quá nhiều ngân sách hàng tháng.
Bên cạnh đó, để tiết kiệm hơn, Kiều Trinh ưu tiên mua mới quần áo đi học và đi chơi cho 2 bé. Còn đối với quần áo ở nhà, cô tận dụng quần áo cũ của bé lớn cho bé thứ 2 mặc. “Mình thường mua quần áo cho các bé trên các trang thương mại điện tử, có khá nhiều mã giảm giá và miễn phí vận chuyển, giá chỉ giao động khoảng 90-150 nghìn/bộ mà chất liệu khá ổn, thấm hút mồ hôi tốt”.
Các vật dụng trong gia đình cô chỉ mua vừa và đủ. Vợ chồng Kiều Trinh học cách kiên nhẫn hơn trước những món đồ bản thân thích, chỉ mua khi thấy thực sự cần thiết và công năng sử dụng cao, thường sẽ chờ đến các đợt giảm giá rồi mới mua.
“Từ khi có thêm bé thứ 2, mình cảm thấy việc quản lý chi tiêu trong gia đình càng quan trọng hơn, học cách hạn chế mua những món đồ linh tinh, theo sở thích. Ưu tiên mua những món đồ mình cảm thấy cần thôi”, Kiều Trinh chia sẻ.
Năm nay khi “bão giá” ập đến, Kiều Trinh chia sẻ rằng tài chính gia đình cũng bị ảnh hưởng phần nào. Giá cả ngày càng tăng, nếu không biết cách quản lý chi tiêu thì đúng là sẽ chẳng thể nào để được 1 khoản tiết kiệm. Công việc của Kiều Trinh phải đi lại khá nhiều trong nội thành Hà Nội, giá xăng tăng cao nên tốn nhiều chi phí hơn. Thay vì đi xe ga như trước và thỉnh thoảng di chuyển bằng xe ôm công nghệ thì giờ mình có chuyển sang đi xe máy điện.
“Năm nay giá cả ăn uống lẫn phí ship đều tăng cao cho nên nhà mình chọn giải pháp tiết kiệm là tự mang đồ ăn đến văn phòng, vợ chồng mình đều hạn chế việc ăn uống bên ngoài hơn trước. Mình cũng học được cách quản lý ngân sách chi tiêu phù hợp hơn và chỉ chi tiêu cho những gì thực sự cần thiết”.
Dù vậy, những dịp lễ quan trọng như 20/10, Kiều Trinh vẫn sẽ cố gắng phân bổ không giảm đi. Thông thường, gia đình cô sẽ trích khoảng 10% thu nhập để mua quà cho người thân, đối tác và cô giáo của bé lớn. Khoản phát sinh có thể khiến tiền gửi tiết kiệm hàng tháng của gia đình sẽ giảm hơn so với các tháng trước.
“Cũng giống như những tháng Tết sẽ phát sinh thêm khoản biếu ông bà nội ngoại, mình sẽ coi như không có tiết kiệm nữa. Đối với mình, đây là ngày để tri ân những người thân nên mình thấy xứng đáng để chi tiền”.
Mặt khác, Kiều Trinh cho rằng, những dịp lễ như thế này, nếu sát ngày mới đi mua quà thì giá sẽ tăng rất cao. Vì vậy, cô thường thời gian để mua trước đó 1-2 tuần, đồng thời, ưu tiên những món quà có ý nghĩa thiết thực hơn so với việc mua hoa vào các dịp lễ này.
“Các dịp lễ nhà mình thường sẽ ở nhà thay vì ra ngoài ăn, du lịch… để hạn chế đông đúc. Công việc bận rộn, dịp nghỉ lễ sẽ là thời gian mà vợ chồng mình dành cho các con nhiều hơn. Nhà mình sẽ ăn uống cùng với ông bà nội hoặc là sẽ về nhà ngoại chơi nên chi phí cho dịp lễ này cũng không phát sinh quá nhiều”.
Kiều Trinh chia sẻ rằng bản thân từng rất ngại việc ngồi ghi chép chi tiêu hàng ngày, kẻ bảng, cộng trừ nhân chia,... dù từng cố gắng thử làm nhiều lần nhưng sau vẫn từ bỏ không duy trì được. Song, đến một lúc cảm thấy chi tiêu của gia đình quá nhiều và không kiểm soát được, cô bắt buộc mình phải ghi chép lại.
“Mình thấy đây là 1 thói quen cực kỳ cần thiết để có thể quản lý tài chính của gia đình tốt hơn. Từ ngày biết có mấy cái ứng dụng quản lý chi tiêu trên điện thoại là siêng hẳn, hàng ngày cứ chi tiêu gì là mình sẽ cập nhật lên thôi. Bất cứ lúc nào, mình đều có thể xem lại được các khoản chi tiêu của tháng trước cũng như tháng gần nhất”.
Đối với những cặp vợ chồng mới cưới, cô cho rằng nên học cách quản lý chi tiêu bởi nếu không sẽ rất khó để ra một khoản tiết kiệm. Tiền tiêu bao nhiêu cũng không đủ, có nhiều tiêu nhiều, ít tiêu ít.
Hàng tháng luôn luôn để ra 1 khoản phòng thân nhất định và gửi tiết kiệm, không nên chi tiêu lặt vặt mà chỉ nên chi vào những thứ thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, lập ngân sách có thể theo dõi được thu nhập và chi phí hàng tháng của gia đình, biết được khoản nào đang chi tiêu vào quá nhiều để từ đó giảm bớt sao cho hợp lý với thu nhập của 2 vợ chồng. Việc quản lý chi tiêu như vậy sẽ giúp vợ chồng ít bị áp lực hơn về tiền bạc, để ra được một khoản tích cóp cho các dự định trong tương lai, như mua nhà, mua xe…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn