Cách dạy 'trống đánh xuôi, kèn thổi ngược' của bố mẹ hậu ly hôn

10:50 | 18/06/2019;
Việc 'trống đánh xuôi, kèn thổi ngược' trong cách dạy con ở nhiều bố mẹ không kém phần căng thẳng. Với những quan điểm khác nhau, họ không thể tìm được tiếng nói chung và cuối cùng người chịu áp lực và cả những tổn thương nhiều nhất vẫn là những đứa trẻ. Thậm chí chúng còn trở nên hoang mang không biết nghe ai.
Chị T. tâm sự: Tôi và chồng ly hôn đã hai năm, con gái lớn học lớp 6 và đang ở với bố. Do trước đây tôi nuôi dạy con khá tốt, năm nào cũng học sinh giỏi xuất sắc cho nên chồng cũ tôi cũng bị áp lực khi tự mình nuôi dạy con gái. Chồng cũ tôi bắt con học rất nhiều, cộng với việc không cho con đi chơi đâu cả khiến con tôi buồn bã, ủ đột. 
 
Trước đây, khi còn chung sống với chồng, tôi thường cho các con đi chơi rất nhiều nơi và không cho học thêm bất cứ môn học nào ngoài tiếng Anh (là do con thích học). Bây giờ, chồng tôi bắt con học quá nhiều, không còn thời gian chơi nhưng tôi lại không thể can thiệp được. Tôi rất lo lắng cho con, từ một đứa trẻ năng động, thông minh, giờ chỉ có học và học. Theo quan điểm của tôi, học vừa phải, quan trọng là trải nghiệm và giao tiếp trong quá trình được đi chơi thì sẽ tốt hơn. Chồng cũ thì bảo thủ, nhất quyết ép con phải học giỏi, thi đỗ trường chuyên và đi du học. 
 
Chị mong con gái mình không bị căng thẳng và áp lực khi học hành nữa
 
 
Nhìn các bậc cha mẹ vẫn ngày đêm miệt mài cho con đi học thêm, sôi nổi bàn tán về điểm số, nhiều lúc tôi cũng hoang mang không biết việc cho con đi chơi, trải nghiệm tốt hơn cho tương lai của con hay việc học để thi đỗ trường nọ trường kia tốt hơn?
 
Trước những tâm sự của chị T., chuyên gia tâm lý Nguyễn Đại Hải (Công ty Tài năng Việt) cho rằng, không thể khẳng định việc đi chơi nhiều sẽ tốt hơn hay học nhiều tốt hơn, điều này phụ thuộc vào tư duy của từng trẻ và cách tiếp thu, cảm nhận của chúng với sự việc diễn ra trong cuộc sống. Tốt nhất là nên hài hòa cả hai.
 
Tuy nhiên, là một người đã trị liệu tâm lí cho rất nhiều học sinh, chuyên gia tâm lý Nguyễn Đại Hải khuyên rằng: Thứ nhất, những đứa trẻ có bố mẹ li hôn đã là một tổn thương lớn. Tổn thương này nếu không được bố mẹ cùng giúp con vượt qua thì sẽ để lại nhiều điều đáng tiếc khi trẻ lớn lên và có gia đình riêng. Trẻ rất dễ mang theo mô hình gia đình mình thuở nhỏ vào cuộc sống hôn nhân của mình. Thứ hai, một đứa trẻ suốt ngày chỉ biết học thì sẽ đánh mất cơ hội được rèn luyện các kĩ năng, tư duy và sự va chạm thực tế để thành công sau này. Thực tế, có những sinh viên thủ khoa đầu ra còn thất nghiệp hàng năm khá cao và nhiều du học sinh có bằng cấp tốt cũng chịu cảnh thất nghiệp. Cho nên, tư duy tự lập, bản lĩnh vươn lên trong cuộc sống và các kĩ năng mới thực sự giúp con thành công sau này. 
 
Trong trường hợp của chị T., chuyên gia tâm lý khuyên chị nên sắp xếp một cuộc nói chuyện để trao đổi với chồng cũ, cùng làm điều tốt nhất cho con. Nếu không thể thay đổi được tư duy của chồng cũ, chị T. nên kiên nhẫn dùng thời gian được phép thăm nuôi con mà tòa án đã phân định để đưa con đi chơi, tâm sự, chia sẻ và làm bạn của con để con chị bớt đi áp lực học tập. Quan trọng nhất chính là làm cho con chị biết rằng: dù khó khăn đến đâu, cha mẹ vẫn luôn là người bạn đồng hành với con.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn