Người mắc FOMO dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, chán nản vì cảm thấy cuộc sống của bản thân nhàm chán, tẻ nhạt. Với những người trẻ, hội chứng FOMO khiến người trong cuộc thiếu tập trung làm việc, học tập do luôn bị phân tâm bởi việc lướt web, mạng xã hội.
Dưới đây là một số cách giúp bạn thoát khỏi hội chứng này:
Hãy dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, làm những điều mình thích như: đọc sách, nghe nhạc, thể thao... Duy trì lịch sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đúng giờ, ngủ đủ giấc, tập thể dục... Giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội và điện thoại thông minh.
Thừa nhận những nỗi sợ bỏ lỡ và theo dõi suy nghĩ tiêu cực của chính mình cũng là cách để bạn đương đầu với FOMO. Bạn có thể thực hành chánh niệm để giúp tập trung cao độ vào bất cứ điều gì bạn muốn làm ở thời điểm hiện tại.
Tắt thông báo của các ứng dụng mạng xã hội không cần thiết. Không mang điện thoại vào phòng ngủ và những nơi cần tập trung. Xóa bớt ứng dụng gây phân tâm và lãng phí thời gian.
Hãy biết ơn những gì mình đang có thay vì ganh tỵ với người khác. Tập trung vào hiện tại, hưởng thụ từng khoảnh khắc.
Cảm giác cô đơn và lạc lõng chính là dấu hiệu của não bộ nhắc nhở bạn: Đã đến lúc tìm kiếm những kết nối chân thật, mang cảm giác thân thuộc, muốn được tỏ bày và sẻ chia. Mạng xã hội không phải là một công cụ hữu hiệu trong việc tìm kiếm và lấp đầy những khoảng trống đó.
Thay vì cố gắng mở rộng mạng lưới kết nối với nhiều người trên mạng xã hội, tại sao bạn không sắp xếp để gặp trực tiếp một ai đó? Việc lên kế hoạch với một cá nhân hay tập thể gắn kết nào đó chính là một sự thay đổi nhịp độ, giúp bạn quên đi cảm giác "đang bỏ lỡ" điều gì đó.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc thể hiện lòng biết ơn như viết nhật ký hoặc đơn giản là tỏ bày với người khác những gì bạn đánh giá cao về họ có thể nâng cao tinh thần của bạn cũng như của mọi người xung quanh.
Điều này giúp bạn quên đi những cái đang thiếu trong cuộc sống và chỉ tập trung vào những thứ mình đang có. Với một tinh thần phấn chấn và biết ơn sẽ giúp bạn giải tỏa cảm giác chán nản, lo lắng mà bản thân đang phải trải qua.
Bạn có thể sẽ không quan tâm đến thành công của người khác khi nhận ra mình đang có bao nhiêu và đã đạt được những gì. Điều này thật tuyệt vời cho sức khỏe tinh thần và cảm xúc của bạn.
Hầu hết những người mắc chứng sợ bỏ lỡ đều không có mục đích rõ ràng trong cuộc sống. Họ hành động và làm việc một cách mơ hồ, đôi lúc không đủ tự tin vào bản thân mình. Do đó, họ sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi những quyết định, ý kiến của mọi người xung quanh, đặc biệt là những người đã đạt được thành công.
Vì thế, để nhanh chóng loại bỏ nỗi sợ hãi và hạn chế việc đưa ra các quyết định sai lầm thì cách tốt nhất là bạn phải lên kế hoạch cụ thể, đặt ra mục tiêu cho cuộc sống của mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn