Sự thuận tiện của mua bán hàng qua facebook là không phải bàn cãi, tuy nhiên bài toán đặt ra là làm sao người tiêu dùng đảm bảo được quyền lợi của mình, tránh được những rủi ro đáng tiếc để đặt niềm tin đúng chỗ? Quả thực đó không phải là câu hỏi dễ trả lời.
Mỗi ngày, admin và nhóm quản trị của diễn đàn mua bán online đang khá nổi và đình đám trên facebook là Bán giỏi và Mua khéo phải đứng ra làm trọng tài giải quyết không ít “phốt” giữa người bán và người mua. Một diễn đàn lên tới 140 nghìn thành viên thì những rủi ro trong buôn bán là điều không thể tránh khỏi. Thậm chí, có lần ban quản trị của nhóm phải mang thực phẩm của người bán đi kiểm nghiệm sau khi có phản hồi của khách hàng về việc thực phẩm ôi thiu, kém chất lượng, khác xa so với quảng cáo khi bán. Hay mới đây, những cú “phốt” lôi kéo hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ về việc một chủ shop ship quần áo không đúng với khách hàng đặt.
Khi khách hàng phản hồi thì trả lời dửng dưng, trốn tránh trách nhiệm và thậm chí chặn luôn facebook của người mua để khỏi bị…làm phiền. Khi khách hàng đưa sự việc lên nhóm để “bóc phốt” thì mọi người mới vỡ lẽ cách làm ăn của người bán. Đó là một trong số rất nhiều bức xúc, rủi ro xảy đến với những người mua hàng qua mạng facebook.
Chị Dương Kim Ngân (35 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) là một trong những tín đồ của mua hàng qua mạng chia sẻ, không gì thuận lợi bằng mua hàng qua mạng. Từ đồ ăn, thức uống đến đồ dùng sinh hoạt cá nhân đều có thể đặt mua trực tuyến, giao hàng tận nhà.
Tuy nhiên, không phải lần mua nào chị Ngân cũng hài lòng với sản phẩm mình mua sau những cú click chuột. Đã một vài lần chị bị “hớ” khi mua sản phẩm thời trang trên một trang bán hàng trực tuyến. Khi sản phẩm chị đặt một kiểu nhưng hàng giao đến lại một kiểu. Tuy nhiên, vì là sản phẩm đã mua rồi nên chị không thể đổi, trả lại được.
“Nó như một con dao hai lưỡi. Tiện thì tiện thật, nhưng đôi khi cũng xảy ra những sự cố đáng tiếc rất trời ơi đất hỡi. Sau vài lần nếm trái đắng thì tôi chỉ chọn mua, đặt mua ở những shop uy tín, những người bán hàng uy tín hoặc chỗ thân quen”, chị Ngân chia sẻ.
Vậy làm sao để chị em hạn chế được rủi ro khi mua hàng online mà vẫn thỏa cơn nghiền mua sắm của mình? Đã có không ít cuốn sách dạy về nghệ thuật bán hàng online, bán hàng qua facebook nhưng có lẽ chưa có cuốn cẩm nang nào dành cho chị em chuyên mua sắm trực tuyến.
Là admin của nhóm mua bán trực tuyến khá khủng: Bán giỏi và Mua khéo, và vừa xuất bản cuốn sách Nghệ thuật bán hàng qua facebook gây sốt mạng xã hội, chị Kim Thùy cho rằng mua sắm online sẽ là kênh phổ biến hiện nay và trong thời gian tới. Tuy vậy, không phải người bán hàng nào cũng có tâm, trong số hàng triệu người bán hàng online uy tín thì cũng có không ít người tham gia theo cách chộp giật.
Chính vì thế, theo chị Thùy, khi mua hàng trực tuyến qua facebook, người mua nên chọn những nick (tài khoản đăng ký) bán hàng uy tín. Nick bán hàng phải có đầy đủ thông tin, ảnh đại diện là thật, có thông tin cá nhân tương đối đầy đủ, địa chỉ bán hàng phải công khai. “Tôi nói vậy không có nghĩa là những người bán hàng không có ảnh đại diện thật là lừa đảo, nhưng nếu họ có thông tin đầy đủ thì sẽ tạo sự yên tâm cho người mua. Trong nhóm Bán giỏi và Mua khéo, có hơn 140 nghìn thành viên, nhưng chúng tôi sàng lọc, tuyển chọn rất kỹ, nick bán hàng nào không có ảnh đại diện thật, thông tin đầy đủ, nhất quyết chúng tôi không kết nạp vào”, chị Kim Thùy chia sẻ.
Người này chia sẻ thêm, hiện có rất nhiều Group mua bán hàng online hoạt động rầm rộ, điều đó cho người mua có nhiều sân chơi, nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, nên chọn mua hàng ở những Group uy tín, quản trị viên sát sao và sẵn sàng đứng ra giải quyết các vấn đề, bảo vệ quyền lợi cho cả 2 bên. “Không chỉ giữ lại hóa đơn, người mua nên lưu lại những tin nhắn chat, những coment đặt hàng với người bán để làm bằng chứng. Yêu cầu người bán hàng cam kết nếu không ưng trả lại hàng, kiểm tra hàng trước khi nhận. Điều đó vừa tạo ra một thị trường online minh bạch, chuyên nghiệp vừa đảm bảo quyền lợi của khách hàng”, admin trang bán hàng Bán giỏi và Mua khéo cảnh báo.
Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, dữ liệu khiếu nại trong năm 2016 và quý I/2017 của Cục, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra khá thường xuyên. Các vấn đề điển hình bị phản ánh, khiếu nại bao gồm: Giao sai sản phẩm, sản phẩm có thông số kỹ thuật khác so với quảng cáo trên trang web, giao hàng chậm, giao thiếu hàng khuyến mãi, giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại, đăng sai giá, hủy đơn hàng không lý do, sản phẩm không có nhãn mác, nhãn ghi sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại quảng cáo là hàng Mỹ, Nhật Bản, không cung cấp hóa đơn.
|