Sau khi ăn cảm thấy buồn nôn là triệu chứng về tiêu hóa. Mọi người không được chủ quan vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm. Vậy sau khi ăn buồn nôn là bệnh gì? Cách trị buồn nôn sau khi ăn như thế nào?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng buồn nôn sau khi ăn, từ thói quen ăn uống không điều độ, mang thai cho đến các nguyên nhân bệnh lý. Dưới đây là các nguyên nhân thường gặp:
- Thói quen ăn uống không điều độ.
- Dị ứng thức ăn hoặc không dung nạp thực phẩm.
- Bệnh lý về đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, các bệnh về túi mật, viêm tụy, hội chứng ruột kích thích hoặc các bệnh tiêu hóa khác như ung thư dạ dày, tắc ruột, liệt dạ dày, rối loạn hấp thu...
- Ngộ độc thực phẩm và cúm dạ dày.
- Mang thai.
- Các nguyên nhân khác như hội chứng đau nửa đầu, lo lắng, trầm cảm, tác dụng phụ của thuốc...
Như vậy, buồn nôn sau khi ăn có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Vì thế, khi gặp phải tình trạng này, bạn cần chú ý quan sát các triệu chứng của bản thân và đi khám khi cần thiết. Các bác sĩ cho biết, cần đi khám ngay khi có triệu chứng buồn nôn sau khi ăn kéo dài hơn 5 ngày kèm theo các triệu chứng sau:
- Xuất hiện máu trong dịch nôn hoặc phân.
- Đau, tức ngực.
- Tiêu chảy kéo dài nhiều ngày.
- Xuất hiện các triệu chứng mất nước như ít đi tiểu, hay khát nước, suy nhược cơ thể, hay chóng mặt.
- Sốt cao trên 38,5 độ.
- Bụng đau dữ dội.
- Tim đập nhanh bất thường.
- Nôn nhiều.
Phụ huynh cần lưu ý, trẻ nhỏ ăn xong buồn nôn cần được chú ý nhiều hơn, đặc biệt là với những trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sốt trên 38,5 độ C, trẻ nôn trong thời gian 8 tiếng, nôn ra máu và đau bụng hơn 2 tiếng đồng hồ.
Có nhiều phương pháp khác nhau được sử dụng để điều trị tình trạng buồn nôn sau khi ăn. Tuy nhiên, cần lưu ý, với những bệnh lý khác nhau thì sẽ có những cách điều trị khác nhau. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị bệnh thích hợp nhất. Vì thế, khi gặp tình trạng buồn nôn sau khi ăn, tốt nhất nên đi thăm khám để được tư vấn và điều trị đúng cách.
Bên cạnh đó, có thể dùng một số biện pháp dân gian để hỗ trợ điều trị tình trạng buồn nôn sau khi ăn, cụ thể:
- Bấm huyệt: Để hỗ trợ làm giảm triệu chứng buồn nôn sau khi ăn, các bạn có thể sử dụng phương pháp bấm huyệt. Dùng ngón tay ấn vào phần gân mềm ở giữa xương của ngón trỏ và ngón cái. Sau đó, tiến hành day ngón cái và ngón trỏ trong khoảng thời gian 5 phút để giảm cảm giác buồn nôn.
- Sử dụng kẹo ngậm: Sử dụng các loại kẹo ngậm có vị chua, vị ngọt sẽ có tác dụng rất hiệu quả trong việc giảm cảm giác buồn nôn sau khi ăn cho người bệnh.
- Tắm bằng nước ấm: Tắm bằng nước ấm có tác dụng giúp cơ thể ấm lên, lưu thông máu tốt hơn, từ đó giúp giảm cảm giác buồn nôn sau khi ăn. Cần lưu ý, trước khi tắm, bạn cần phải nắm chặt tay trong khoảng thời gian 3 – 5 phút. Sau đó, bạn tắm với nước ấm và nghỉ ngơi.
- Uống nước ấm: Bên cạnh việc tắm nước ấm, uống nước ấm cũng là phương pháp được sử dụng khá phổ biến. Theo đó, bạn chỉ cần uống ly nước ấm và ăn một quả chuối chín để làm dịu bụng, giảm cảm giác sôi bụng, buồn nôn sau khi ăn.
- Uống nước lá húng quế: Lá húng quế cũng có tác dụng tốt trong việc làm giảm cảm giác buồn nôn. Theo đó, có thể sử dụng lá húng quế khô, cho vào ly và thêm vào đó 200ml nước sôi. Sau khoảng thời gian 5 – 10 phút, người bệnh sử dụng nước húng quế này uống nhằm giúp giảm những cơn buồn nôn, khó chịu ở bụng.
- Uống trà quế: Bên cạnh lá húng quế, người bệnh bị buồn nôn sau khi ăn có thể sử dụng trà quế. Các nghiên cứu cho biết, uống một ly trà quế hoặc ăn một nhánh quế nhỏ sẽ giúp cải thiện hệ tiêu hóa rất tốt. Từ đó, giúp người bệnh ổn định đường ruột và có cảm giác thoải mái, dễ chịu hơn, giảm cảm giác buồn nôn.
Cần lưu ý, những cách trị buồn nôn sau khi ăn bằng phương pháp dân gian trên đây chỉ có tác dụng hỗ trợ, hơn nữa chỉ phù hợp khi tình trạng ở mức độ nhẹ và ít khi xảy ra. Với những trường hợp buồn nôn sau khi ăn ở dạng nặng hơn, do bệnh lý thì người bệnh bắt buộc phải vào các cơ sở y tế thăm khám và điều trị.
Bên cạnh việc thăm khám và lựa chọn đúng phương pháp, đúng bài thuốc điều trị, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh bị buồn nôn sau khi ăn cần chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày, tránh tình trạng căng thẳng, lo lắng quá mức.
Để giảm nguy cơ bị buồn nôn sau khi ăn, các bác sĩ khuyến cáo cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Xây dựng và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh: Ăn đủ bữa, ăn đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ, không ăn quá nhiều trong 1 bữa, có thể ăn thành nhiều bữa nhỏ thay vì ăn 3 bữa lớn mà ăn quá nhiều.
- Lựa chọn và chế biến thực phẩm cẩn thận, tránh ăn các thực phẩm không hợp vệ sinh.
- Tránh các thực phẩm được chế biến từ sữa, ngũ cốc và các thực phẩm gây dị ứng nếu bạn mắc chứng không dung nạp lactose, gluten hoặc có tiền sử dị ứng thức ăn.
- Tránh ăn các thực phẩm có chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm chiên xào hoặc cay nóng.
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá căng thẳng.
Buồn nôn sau khi ăn do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể chỉ đơn giản là do thói quen ăn uống không lành mạnh nhưng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm. Vì thế, khi xuất hiện tình trạng buồn nôn sau khi ăn, người bệnh cần chú ý theo dõi sức khỏe và đi thăm khám khi cần thiết để tìm ra cách trị buồn nôn sau khi ăn thích hợp nhất.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn