Chị Nguyễn Phương Thủy (Thanh Xuân, Hà Nội) rất lo lắng khi cô con gái lớp 7 càng ngày càng “tẩy chay” bố mẹ. Chị Thủy cho biết, hồi tiểu học, con gái rất đáng yêu, có chuyện gì ở lớp, ở trường cũng rủ rỉ với mẹ. Vậy mà, bước vào THCS, con như biến thành con người khác. Về nhà, con lầm lì, khó chịu, chẳng nói chẳng rằng, mẹ hỏi thì con gắt gỏng. Con luôn tìm cách để không phải nói chuyện với bố mẹ bằng cách nhanh chóng về phòng riêng, đóng cửa. Mỗi khi, mẹ quan tâm hỏi han, con cáu um lên: Mẹ biết gì mà hỏi, mẹ đừng quan tâm đến chuyện của con nữa…
Chị Thủy rất lo lắng khi không thể làm bạn, không thể biết chuyện gì đang xảy ra với đứa con ở lứa tuổi dở dở ương ương này.
Thạc sĩ Vũ Thu Hà cho biết, với các cha mẹ, các con ở tuổi tiểu học rất đáng yêu. Nhưng, từ khi các con bước sang tuổi teen, các con như không phải con của mình. Có mẹ hoảng hốt khi con thay đổi đến chóng mặt, thậm chí bảo ghét con kinh khủng vì con có những hành động không chấp nhận được như hét vào mặt bố mẹ, cãi bố mẹ hay đóng sập cửa thật mạnh trước mặt bố mẹ…
Chị Thu Hà cho biết, nếu bố mẹ không chấp nhận được hành động của con thì làm sao có thể ở cạnh con được. Bởi, tâm lý tuổi teen rất phức tạp.
Thông thường, cha mẹ Việt chỉ có thói quen nói yêu thương con khi con còn nhỏ. Nhiều đứa trẻ buồn bã cho biết, từ lớp 3 đã không còn được nhận lời yêu thương của bố mẹ. Chính vì vậy, ở tuổi teen, trẻ dường như không bao giờ được bố mẹ nói lời yêu thương, vỗ về, hỏi chuyện. Ngược lại, chúng thường nhận được sự áp đặt và bắt phải làm theo. Bố mẹ không bao giờ hiểu cảm xúc của các con tuổi vị thành niên, không hiểu tâm lý tuổi teen có những tương phản, mâu thuẫn thế nào. Đó là lý do các con tự tách bố mẹ ra và phản ứng lại với bố mẹ.
Chị Thu Hà nhấn mạnh, trẻ tuổi teen rất mong manh nên cha mẹ cần đồng hành với con. Đứa trẻ tuổi teen về ngoại hình khá cao lớn, thậm chí cao lớn hơn bố mẹ, thế nhưng bên trong nó vẫn là một đứa trẻ, vì vậy bố mẹ cần sát cánh bên con.
Có thể con bướng bỉnh quát lại bố mẹ, gây khó chịu với bố mẹ, không cho bố mẹ tìm hiểu câu chuyện của con. Đó thực ra là giai đoạn con đang trưởng thành nhưng con không biết làm thế nào. Trong trường hợp này, bố mẹ cần tiếp tục đồng hành với con, bố mẹ phải chấp nhận cảm xúc khó chịu đó của con chứ đừng vì thế mà dằn dỗi, ghét bỏ hay buông xuôi với con.
Đặc biệt, bố mẹ cần làm bạn với con ngay khi còn nhỏ nhưng cần phải hiểu được trách nhiệm giáo dục con đến hết tuổi trưởng thành và khi trưởng thành rồi lại làm bạn với con. Trong bất kỳ giai đoạn nào đó, khi ngưng việc giáo đục con thì việc làm bạn với con là vô cùng khó.
Bố mẹ đừng bao giờ ngừng tương tác với con cho dù đôi lúc con hét vào mặt bố mẹ, con khiến bố mẹ “tăng xông”. Nếu không đồng hành được thì khả năng các con chia sẻ với cha mẹ là rất khó.