Cách dự trữ, bảo quản thực phẩm an toàn trong ngày mưa bão

11:20 | 02/08/2019;
Mùa bão đến mang theo mưa to, gió lớn, có thể ảnh hưởng đến giao thông, đi lại. Chủ động dự trữ, bảo quản thực phẩm đúng cách không chỉ giúp đảm bảo an toàn vệ sinh mà còn không lo bị “chặt chém” trong những ngày này.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo: từ chiều tối 2/8 ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7. Từ 2/8 đến 4/8, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa 200-400mm/đợt). Cấp độ rủi ro thiên tai do bão cấp 3.
 
Bão có thể gây ảnh hưởng đến giao thông, đi lại, cản trở việc mua sắm lương thực, thực phẩm của mỗi gia đình. Chủ động dự trữ, bảo quản thực phẩm đúng cách sẽ giúp bạn tránh mua phải thực phẩm với giá đắt đỏ sau bão mà vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Bạn có thể tham khảo một số cách dự trữ, bảo quản thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh ngày mưa bão của Chuyên gia ẩm thực Thanh Uyên (Nhà hàng Shinju,  09 đường Mai Chí Thọ, Long Biên, Hà Nội).
 
Cách bảo quản rau xanh, trái cây
 
Rau xanh giúp bổ sung chất xơ và vitamin cho cơ thể, nhưng trong ngày mưa bão kéo dài, đây là mặt hàng khan hiếm và đắt đỏ nhất.
 
bao-quan.jpg
Bạn có thể dự trữ rau xanh, trái cây đủ ăn cho gia đình trong thời gian từ 3-5 ngày

 

Bạn có thể dự trữ rau xanh đủ ăn cho gia đình trong thời gian từ 3-5 ngày, theo cách sau đây:
 
- Với các loại trái cây, rau tươi, rau ăn lá: có thể bảo quản từ 4 - 5 ngày trong tủ lạnh. Khi mua, nên chọn các loại rau có cuống cứng và xanh, thân rau không bị nhớt, lá không bị úa, dập nát. Khi mua rau về, nhặt bỏ phần rau già, héo; để thật ráo nước, bọc kín trong giấy báo, để ngăn mát tủ lạnh. Trước khi chế biến, bạn lấy từng phần rau vừa đủ bữa, nhặt và rửa.
 
Tuyệt đối không rửa rau, bọc kín trong túi nylon, dễ làm rau bị úng nước, nhanh hỏng.
 
- Với các loại củ, rau ăn trái như: bí, mướp, khoai tây, cà rốt, hành tây… có thể để ở nơi khô thoáng, dùng dần.
 
Nên mua thêm một số loại rau đã sấy khô như rong biển, củ cải… để đổi bữa.
 
Cách bảo quản thực phẩm tươi sống
 
Mưa bão chỉ kéo dài vài ngày, bạn không nên tích trữ quá nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng của thực phẩm. Nên mua đa dạng các loại thịt, tôm, cá, trứng để bữa ăn phong phú.
 
Khi mua thực phẩm tươi sống về, rửa sạch, dùng giấy ăn thấm khô hết nước trên bề mặt thịt, cá. Sau đó, chia nhỏ thực phẩm theo định lượng phù hợp với từng bữa ăn gia đình, bảo quản trong các hộp nhỏ, để trong ngăn đá tủ lạnh, dùng dần.
 
bao-quan-2.jpg
Thay vì để cả tảng lớn, nên chia nhỏ thực phẩm vừa với từng bữa ăn, tránh rã đông nhiều lần

 

Lưu ý, khi dự trữ thức ăn trong tủ lạnh, cần điều chỉnh nhiệt độ ở mức dưới 40°F để đảm bảo thực phẩm an toàn hơn khi sử dụng.
 
Những ngày mưa bão có thể xảy ra mất điện. Trong thời gian mất điện, cần hạn chế mở cửa tủ lạnh, để duy trì nhiệt độ lạnh.
 
Để rã đông thực phẩm đúng cách, bạn nên bỏ thực phẩm ra ngoài trước từ 2-3h, đặt trong ngăn mát để rã đông tự nhiên. Không nên ngâm nước, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm. Nếu không đủ thời gian đợi rã đông, có thể dùng cách cắt nhỏ khi thực phẩm còn đông lạnh và chế biến ngay.
 
Cách bảo quản thực phẩm khô
 
- Với những loại thực phẩm khô như: mỳ tôm, gạo, vừng lạc, bánh quy, hành tỏi… cần bảo quản ở nơi khô ráo, tránh mưa hoặc gió hắt vào. Tôm khô, cá khô nên bọc kín, để trong ngăn đá tủ lạnh để tránh mốc.
 
bao-quan-3.jpg
Thực phẩm khô cần bảo quản ở nơi khô ráo, tránh mưa hoặc gió hắt vào

 

- Với những loại thực phẩm đóng hộp như pate, cá hộp, thịt hộp…, nên xem kỹ hạn sử dụng, nhà sản xuất, thành phần nguyên liệu… để mua loại phù hợp với khẩu vị gia đình. Đồ hộp sau khi mở, nên sử dụng hết ngay. Nếu còn dư, cần bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, sử dụng trong 3 ngày.
 
Lưu ý:
 
Trong những ngày mưa bão, nên tích trữ, sử dụng nguồn nước sạch, tuân thủ chế độ ăn chín, uống sôi, để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.  

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn