Con bạn không vâng lời khi còn nhỏ, liệu có thất bại khi lớn lên không? Trẻ em mắc lỗi mỗi ngày và gây rắc rối, có phải là chỉ dấu cho tương lai khó triển vọng? Nếu bạn cũng là một phụ huynh đang lo lắng những điều tương tự, hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây từ một bà mẹ Trung Quốc.
Từ khi con vào tiểu học, chị Uyển Nhi không nhớ nổi bao nhiêu lần "được" mời gặp mặt phụ huynh. Tuần trước, cô giáo gọi nói rằng con trai chị đánh bạn cùng lớp, không chịu đến văn phòng và phớt lờ khi bạn yêu cầu xin lỗi. Bị phạt đứng ở cửa, cậu bé lại lấy trong túi ra cuốn truyện tranh nhỏ, thích thú đọc.
Khi người mẹ đến, cô giáo nói, vẻ ngán ngẩm: "Tôi thực sự không hiểu nổi cháu. Lúc nào cũng lơ đãng, quậy phá và ồn ào, thường xuyên gây sự khiến các bạn gái phải khóc. Phụ huynh đã phàn nàn với tôi nhiều lần, và bạn cùng lớp không muốn ngồi cùng cháu. Nếu điều này tiếp tục, tôi chỉ có thể đề nghị chuyển lớp cho cháu".
Nghe cô giáo nói xong, chị Uyển Nhi thấy buồn phiền trong lòng, về đến nhà không kìm được cảm xúc đã trút bầu tâm sự với con. Nhìn con rơm rớm nước mắt, chị vừa giận vừa xót. Cổ nhân có câu "Tam tuế khán đại, thất tuế khán lão", ý muốn nói nhìn trẻ lên 3 có thể biết tính cách của chúng lúc trưởng thành, nhìn trẻ lên 7 sẽ biết vận mệnh cả đời của chúng. Nếu cứ tiếp tục như vậy, đứa trẻ sẽ lớn lên hoàn toàn không triển vọng hay sao? Càng nghĩ càng lo lắng, người mẹ trằn trọc thức trắng đêm.
Mãi cho đến sáng hôm sau, tình cờ xem được một đoạn video của giáo sư Trịnh Cường, sự lo lắng của chị mới phần nào được giải tỏa. Hóa ra con của giáo sư giống hệt con trai chị - nổi loạn, ham chơi và thích gây rắc rối. Hóa ra những đứa trẻ "không nghe lời" khi còn nhỏ cũng có thể trở thành người lớn thành công và tử tế.
Trịnh Cường là một giáo sư nổi tiếng ở Trung Quốc, ông đã đưa ra nhiều quan điểm giáo dục mới mẻ, gây ra một làn sóng tranh luận lớn trong giới học thuật và mạng xã hội. Là một người đi đầu trong lĩnh vực giáo dục, ai cũng nghĩ con cái ông đương nhiên sẽ giỏi giang, hoặc ít nhất là không quá tệ. Nhưng thật bất ngờ, trong bài phát biểu của mình, ông tiết lộ: "Con trai tôi bị đuổi học hai lần và ba lần chuyển trường".
Cậu con trai cả của giáo sư Trịnh Cường khi còn nhỏ đã không "ngoan ngoãn", thậm chí có thể nói là một đứa trẻ rắc rối, thường xuyên mắc lỗi và không chịu sửa sai sau những lần được nhắc nhở.
Vào một ngày mưa, cậu bé mượn một chiếc ô của một bạn học nữ, sau đó treo nó lên cây trong nháy mắt. Trong một tiết học tiếng Anh, khi thầy đang thao thao bất tuyệt trên bục giảng, cậu ngang nhiên ngồi đọc báo rồi "ngạo mạn" yêu cầu thầy giảng lại bài. Vì thường xuyên gây chuyện bên ngoài và "đụng chạm" vào tay các cô gái, giáo sư Trịnh Cường cũng nhận được nhiều đơn thư kiện, cho rằng con trai ông là "tiểu côn đồ".
Hồi đó, trong lớp con trai ông có quy định chỉ cần vi phạm 6 lỗi thì học sinh và phụ huynh cùng viết bản kiểm tra nên tối thứ 6 hàng tuần trở thành "ngày thảm họa" đối với gia đình. Dù rất tức giận và thường xuyên bị cô giáo gọi lên văn phòng để nói chuyện nhưng giáo sư Trịnh Cường vẫn không khiển trách nặng lời đứa trẻ, còn thường nói đùa: "Nếu cứ viết như thế này, con trai tôi sẽ ngày càng có triển vọng!".
Ông luôn cho rằng con trai mình thực ra không "xấu" gì cả, chúng thích chơi bời, gây chuyện chỉ để thể hiện cá tính. Tuy nhiên, do không phù hợp với nội quy, quy định của trường và thường xuyên nhận sự phàn nàn của các phụ huynh khác, cuối cùng, con trai giáo sư không tránh khỏi kết cục bị đuổi học.
Để thay đổi những tật xấu của con trai, ông Trịnh Cường đã ủy thác cho người gửi cậu bé đến một trường học ở quận lỵ. Nghĩ đến việc chuyển sang một môi trường mới, con có thể thay đổi, thế nhưng cậu bé càng "vô pháp" hơn. Một đêm nọ, khi cả lớp đang im ắng học bài buổi tối, cậu cầm đài lên nghe trận đấu World Cup, vì tiếng quá to và cách cư xử quá xem thường nên "tai tiếng" của cậu tới tai lãnh đạo trường.
Nhà trường đã phạt cậu sống trong túp lều cạnh nhà vệ sinh trong hai ngày, muốn cậu tự kiểm điểm nhưng cậu không hề có ý định hối cải. Sau đó nhà trường lại tiếp tục để cậu sống trong nhà kho của trường trong hai tuần. Nhưng cuối cùng, cậu vẫn bị đuổi học. Giáo sư Trịnh Cường không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sắp xếp cho đứa trẻ sống ở nhà một người bạn địa phương trong hai tháng.
Một người bạn đã từng đến thăm con trai của giáo sư, trở về với khuôn mặt giàn giụa nước mắt và hỏi ông: Làm sao ông có thể chịu đựng được việc họ đối xử với con trai mình như vậy? Nhưng dù vậy, giáo sư Trịnh Cường chưa bao giờ tiếp cận lãnh đạo nhà trường và các giáo viên để phản bác quyết định, ông ấy nói: Không sao cả, đây là những hậu quả mà con trai tôi đáng phải trải qua.
Trịnh Cường không muốn quá gò bó đứa trẻ, cũng không muốn buộc tội đứa trẻ hư, chỉ cần đứa trẻ không phạm sai lầm lớn, những phản kháng nhỏ nhặt này trong mắt ông chính là một phần của những "phép thử" sai lầm của tuổi trẻ. Sau mỗi lần sai, con sẽ học được sự trả giá. Đây chính là bài học khiến con phải rút kinh nghiệm rất nhanh. Nếu có thể nếm trải cái giá phải trả ngay bây giờ, thì sau này trẻ sẽ ít làm những điều thái quá hơn sau này.
Ông cũng tin rằng một đứa trẻ có tấm lòng bao dung, phạm sai lầm vẫn chấp nhận viết bản kiểm điểm với nụ cười sẽ không tệ hơn trong tương lai. Quả nhiên, cuối cùng, một trong hai người con trai của ông đã vào Đại học Tứ Xuyên và người kia vào Đại học Phúc Đán.
Mặc dù không đỗ vào một ngôi trường nổi tiếng như Đại học Bắc Kinh hay Đại học Thanh Hoa, nhưng theo lời của Trịnh Cường, đây được coi là hoàn thành vượt mức nhiệm vụ. Sự thật đã chứng minh rằng sau khi vào đại học, cậu con trai không thua kém những sinh viên giỏi khác.
Tại sao con trai của giáo sư Trịnh Cường khi còn nhỏ không đạt được kỳ vọng, nhưng lớn lên lại có thể trở nên giỏi giang như vậy? Trên thực tế, mọi sự ưu tú không phải tự dưng mà sinh ra, những đứa trẻ ngỗ ngược từ nhỏ có lẽ không thể đảo ngược cuộc đời nếu thiếu sự đồng hành, hướng dẫn và thấu hiểu của cha mẹ.
Giáo sư Trịnh Cường là bậc cha mẹ quyền lực trong mắt người khác. Theo lẽ thường, một đứa trẻ xuất phát điểm vượt xa người bình thường, từ nhỏ đã phải là học sinh ưu tú. Nhưng họ cũng như nhiều bố mẹ khác, phải đối mặt với một đứa trẻ "không nghe lời" và bất lực trong giáo dục. Sự khác biệt là họ đã vượt qua sự "khiêu khích" của đứa trẻ, giải quyết một cách khôn ngoan những lỗ hổng trong quá trình trưởng thành của con và cuối cùng đưa con mình đi đúng hướng.
Và với tư cách là những bậc cha mẹ bình thường, chúng ta có thể làm gì để thu về kết quả đáng mơ ước đó?
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền, giáo sư Trịnh Cường nói: "Có người khi còn nhỏ chơi không đủ, lớn lên thoát khỏi sự giám sát của cha mẹ, họ rất dễ chơi bời, không có sức chịu đựng". Trong thời thơ ấu của trẻ, điều quan trọng nhất không phải là ngồi vào bàn học mà là được trải nghiệm thế giới một cách vui vẻ.
Đó là lý do những đứa trẻ nổi loạn ở tuổi thiếu niên có nhiều khả năng tìm thấy con đường của riêng mình sau này.
Nhà tâm lý học Wu Zhihong từng nói: "Hãy buông bỏ và để trẻ vị thành niên tự phát triển, cho chúng đủ không gian để trưởng thành độc lập, và hành vi nổi loạn của chúng sẽ tự nhiên biến mất hơn một nửa". Hầu hết trẻ em phải trải qua trải nghiệm này để thực sự hiểu rõ bản thân, hình thành nhân cách độc lập. Cha mẹ ngăn cản sai cách sẽ khuyến khích con cái nổi loạn, cuối cùng lạc lối và lãng phí phần đời còn lại.
Một số cha mẹ thích dán nhãn cho con cái sau khi chúng mắc lỗi: Con quá ngu ngốc; Con không làm được gì cả... Đôi khi đứa trẻ chỉ mắc một sai lầm nhỏ nhưng được cha mẹ phóng đại đến suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, điều đáng buồn là đứa trẻ sẽ phát triển từng chút một theo quỹ đạo này, và cuối cùng trở thành những gì cha mẹ mô tả.
Thật dễ dàng để dán nhãn cho một đứa trẻ, nhưng cố gắng xé nó đi có thể là quá sức. Một đứa trẻ mắc sai lầm và không bị phán xét sẽ dần dần cải thiện và trưởng thành như những gì cha mẹ mong đợi.
Tại sao Giáo sư Trịnh Cường không vội vàng khi con trai bị điểm kém và thường xuyên gặp rắc rối? Trên thực tế, ông hiểu sâu sắc rằng giáo dục là nghệ thuật của "sự chậm rãi". Sản phẩm chất lượng cao cần thời gian trau chuốt, những đứa trẻ ưu tú cũng cần được vun đắp bằng một tâm thế bình tĩnh.
Cũng giống như việc trồng hoa, mỗi đứa trẻ đều có thời kỳ nở hoa của riêng mình, có bông thì nở rực rỡ ngay từ đầu, có bông lại phải chờ rất lâu. Là cha mẹ, chúng ta không cần phải vội vàng ép con chín sớm, hãy tin tưởng vào con cái, khi thời điểm đến, chúng sẽ tự nhiên hướng về mặt trời.
Vậy nên hãy bớt lo lắng và phàn nàn, thêm kiên nhẫn và trí tuệ, tình yêu thương, từ từ bên cạnh khuyên nhủ, tin tưởng con, đánh thức "mầm non" trong con bằng hành động thực tế, để nó đâm rễ đâm chồi nảy lộc. Khi đó, một đứa trẻ "không vâng lời" cũng có thể lớn lên từ từ đúng hướng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn