Cậu con trai 7 tuổi của chị Lê Minh Anh (khu Thanh Nhàn, Hà Nội) rất say mê màu sắc. Cậu thường cầm bút vẽ khắp nơi trong nhà. Cậu luôn bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở, cấm đoán của người lớn. Khi thấy mẹ tức giận, phải sử dụng "vũ lực" thì cậu gào khóc không dứt. Nói nhẹ nhàng với con, con để "ngoài tai". Chị Minh Anh không muốn dùng roi vọt với con, chị sợ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của con. Chị không biết phải làm thế nào thì mới được coi là tôn trọng quy luật phát triển của trẻ. Trước đây, chị Minh Anh luôn tôn trọng mọi sở thích của con, bây giờ chị cảm thấy hoang mang, không biết có nên tiếp tục chiều theo các suy nghĩ và khuynh hướng phát triển cá tính của con như vậy nữa hay không?
Theo các chuyên gia tâm lý, thực ra chị Minh Anh đã bị nhầm lẫn trong giáo dục con. Tôn trọng con trẻ, khích lệ, cổ vũ trẻ tự do phát triển cá tính là quan điểm giáo dục hiện đại. Có điều, phát triển cá tính trẻ cần sự định hướng, cần cho trẻ một khuôn khổ để chúng tự mình trải nghiệm và trưởng thành. Vì thế, từ khi trẻ được 3 tháng tuổi, cha mẹ nên chọn thời điểm thích hợp để cho trẻ biết một số hành vi sẽ khiến người khác bực mình. Nếu để trẻ "tự do phát huy" một cách quá đà, khiến trẻ hình thành những thói quen sinh hoạt và cá tính không tốt.
Không ít gia đình, do cha mẹ bận công việc, thiếu cơ hội tâm sự gần gũi với trẻ, thêm vào đó bản thân cha mẹ cũng thiếu kinh nghiệm giáo dục con một cách khoa học, nên có thể sẽ thể hiện yêu thương, bảo vệ con quá mức cần thiết, khiến trẻ hiểu nhầm sự nhân nhượng của cha mẹ thành việc chúng làm là "đúng đắn".
Mặc dù cha mẹ không nên hạn chế con quá nhiều nhưng không phải chuyện gì cũng thuận theo ý muốn của trẻ. Nếu không, lâu dần con trẻ sẽ lấn lướt người xung quanh, thiếu khả năng tự khống chế bản thân, và hình thành những cá tính, thói quen không tốt. Khi con làm những việc nguy hiểm hoặc có những hành động không đúng, cha mẹ phải tỏ rõ thái độ nghiêm khắc và đưa ra ranh giới không cho phép trẻ quá trớn. Khi con trẻ bộc lộ những thói quen xấu như là việc nhà qua loa đại khái, buông quăng bỏ vãi, không biết giữ gìn đồ của mình… thì hãy để con nhìn thấy hậu quả do hành động của mình như bị mất đồ… Những khó khăn, vấp váp nhỏ sẽ giúp con sửa chữa khuyết điểm và khiến con trưởng thành hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn