Nhận thức về các vấn đề xã hội, rèn luyện thói quen, phát triển tính cách và thiết lập các giá trị là điều không thể tách rời với những quy định được thiết lập ban đầu. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, nhiều phụ huynh phàn nàn rằng không hiệu quả.
Chẳng hạn một ông bố nọ tâm sự: "Tôi luôn đặt ra quy tắc nhưng các con không thực hiện hoặc tìm cách trì hoãn. Dù đã giao hẹn trước với con nhiều lần nhưng kết quả vẫn ở con số 0. Trẻ hình thành tính trì trệ, chậm chạp, yếu kém kỹ năng lập kế hoạch".
Câu chuyện trên không còn quá xa lạ, nhiều phụ huynh cũng rơi vào trường hợp tương tự. Nếu cha mẹ luôn thất bại trong việc lập quy tắc dành cho trẻ thì hãy tham khảo ngay những lưu ý dưới đây.
Nhiều bậc cha mẹ không chú trọng rèn giũa con từ nhỏ. Họ nuông chiều con, cho rằng nghịch ngợm khi còn nhỏ cũng chẳng sao, khi lớn lên sẽ dạy dỗ lại. Kết quả là đứa trẻ thiếu đi tính kỷ luật. Khi lớn lên, trẻ hình thành các thói quen xấu và có sự phản kháng mạnh mẽ.
Trẻ từ 3 đến 6 tuổi là giai đoạn quan trọng để xây dựng các quy tắc và hình thành thói quen ứng xử. Đây là thời kỳ vàng dễ dàng uốn nắn bởi trẻ thường nghe lời cha mẹ. Nếu cha mẹ không tận dụng cơ hội này thì sau này, trẻ có nhận thức mạnh hơn, mức độ hợp tác giảm xuống.
Vì thế, hãy thiết lập các quy tắc càng sớm càng tốt trong việc giáo dục trẻ. Khi trẻ được 1, 2 tuổi, trẻ đã có thể hiểu những gì người lớn nói. Bạn có thể đưa ra một số quy tắc đơn giản như: Đi ngủ sớm, không nghịch ổ điện, đánh răng vào buổi tối, khi ăn phải ngồi vào bàn, rửa tay trước khi ăn,…
Khi trẻ đi học bậc Mầm non và Tiểu học, trẻ càng cần tuân thủ các quy định khác như: Dọn dẹp sau khi chơi xong, chỉ được dùng điện thoại vào cuối tuần, xem ti vi 30 phút/ngày, đọc sách mỗi ngày, hoàn thành bài tập trước khi đến lớp,…
Nhiều cha mẹ cho rằng một đứa trẻ không nên bị hạn chế bởi nhiều quy tắc mà nên giải phóng năng lượng, thực hiện các hành vi theo hướng tự nhiên. Suy nghĩ như vậy là sai lầm. Chúng ta tôn trọng bản tính của trẻ nhưng không có nghĩa là dung túng cho hành vi xấu. Bởi điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhân cách của trẻ và còn ảnh hưởng xấu đến mọi người xung quanh.
Trong quá trình nuôi dạy trẻ, rất nhiều ông bố bà mẹ đã thống nhất quy định rõ ràng như: Không xem ti vi quá 30 phút/ngày, không được đi chơi nếu chưa hoàn thành bài tập,… Thế nhưng, trước lời nói ngon ngọt của con hoặc có thể là trước cơn khóc lóc ăn vạ, cha mẹ lại dễ dàng chấp thuận.
Việc trẻ khóc lóc, nài nỉ chính là đang thử thách sự kiên định. Nếu bạn thường xuyên thỏa hiệp, trẻ sẽ nhận ra bạn là người không vững ý chí, dễ dàng lung lay. Có lần đầu chắc chắn sẽ có lần 2, lần 3 và dần dần quy tắc không còn tồn tại nữa.
Ngược lại, nếu cha mẹ đều kiên định, thực hiện đúng quy tắc đã thỏa thuận thì trẻ sẽ hiểu dù nói gì cũng là vô ích. Dần dần trẻ học được cách chấp hành quy định, sống có kỷ luật.
Một số cha mẹ đặt ra hình phạt rất cao khi trẻ vi phạm quy định. Họ nghĩ điều này khiến trẻ sợ hãi, lo lắng nhưng hãy cẩn thận vì có thể gây tác dụng ngược.
Chẳng hạn không ít bậc phụ huynh dọa con mình: "Con bị điểm kém sẽ không được mua đồ chơi nữa", "Con mắc lỗi sẽ bị thu điện thoại vĩnh viễn",… Hình phạt hà khắc khiến trẻ phản kháng, không chịu nghe lời. Hơn nữa, trẻ sẽ hiểu cha mẹ không dám thực hiện hình phạt nặng như vậy. Điều này khiến trẻ không còn coi trọng quy tắc.
Các bậc phụ huynh nên suy nghĩ về việc đặt ra hình phạt hợp lý. Chẳng hạn bạn có thể nói với con nếu không thu dọn sau khi chơi thì sẽ không được mua đồ chơi mới trong vòng 2 tháng hoặc bị tịch thu món đồ yêu thích trong 1 tuần.
Nhiều người đặt ra vô số điều lệ, bất chấp sự phản đối của trẻ. Kết quả là trẻ không bị thuyết phục và hiệu quả thực hiện rất kém. Việc thiết lập quy tắc không phải là điều dễ dàng đạt được nhờ nỗ lực đơn phương của cha mẹ mà cần sự hợp tác từ con cái.
Vì thế, ngay từ khi xây dựng quy tắc, cha mẹ phải cùng con bàn bạc, thảo luận, tiến tới thống nhất mọi quyết định. Như vậy, trẻ mới sẵn sàng tuân thủ, cảm thấy mình có trách nhiệm thực hiện, thay vì bị bắt ép phải tuân theo.
Một số cha mẹ đặt ra các quy tắc cho con nhưng họ lại tự động phá vỡ chúng. Chẳng hạn họ yêu cầu con đi ngủ sớm nhưng họ thường xuyên thức khuya. Họ không cho phép con dùng điện thoại thông minh nhưng bản thân lại "dính chặt" lấy điện thoại. Họ dạy con biết chấp hành luật lệ giao thông nhưng họ lại vượt đèn đỏ để đi cho nhanh,…
Nếu cha mẹ "nói một đằng, làm một nẻo" sẽ khiến đứa trẻ bắt chước theo. Và nguy hại hơn, lời nói của cha mẹ không còn tác dụng đối với trẻ nữa. Vì vậy, khi đặt ra nguyên tắc và yêu cầu con tuân thủ, trước hết cha mẹ hãy trở thành tấm gương cho con noi theo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn