Cách giúp trẻ tự tin

11:14 | 19/02/2016;
Các bậc cha mẹ dường như đang dành quá nhiều thời gian cho việc đảm bảo việc ăn uống và làm bài tập của con mình mà quên đi mất thúc đẩy sự tự tin của chúng.

Cha mẹ thường nói “để bố mẹ giúp con” khi đứa trẻ đang cố buộc dây giày hay lấy một thứ đồ chơi ở trên giá. Nhưng sự giúp đỡ thường xuyên và không đúng lúc cần sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành tính độc lập và tự tin của trẻ. Cha mẹ nên xây dựng một chiến lược để giúp bé phát triển sự tự tin của mình ngay khi còn nhỏ. Những cách sau có thể sẽ là những gợi ý bổ ích cho các bậc cha mẹ.

  • Đừng bao giờ cười nhạo hay nói rằng “nó thật kỳ quặc” với những ý tưởng của trẻ: Cũng giống như người lớn, trẻ em muốn được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Khi chúng cảm thấy mình bị chế giễu thì theo bản năng, chúng sẽ tức giận giận ngay lập tức và về lâu dài chúng sẽ không còn muốn chia sẻ những ý tưởng của chúng nữa vì sợ bị chê bai. Ngoài ra trẻ nhỏ nhìn thế giới bằng một lăng kính khác vì vậy bạn cũng không nên chế giễu những ý tưởng có phần kỳ lạ của chúng.
  • Đặt trẻ nhỏ vào những tình huống xã hội không quen thuộc: Hãy ghi nhớ cách duy nhất để tạo sự thoải mái chính là kinh nghiệm từ sự không thoải mái. Khi trẻ nhỏ của bạn tỏ ra khá rụt rè khi phải tiếp xúc với người khác. Hãy cứ đưa chúng đến những buổi gặp mặt bạn bè, ban đầu chúng sẽ rụt rè không dám nói nhưng rồi dần dần cảm giác này sẽ mất đi và thay vào đó là cảm giác thoải mái hơn.
  • Giúp trẻ học chơi một loại nhạc cụ: Chơi một loại nhạc cụ sẽ mang đến những lợi ích tuyệt vời cho sự phát triển của trẻ. Khi mà những đứa trẻ của bạn đã đạt được đến một độ tuổi nhất định có sự nhận biết rõ ràng hơn thì việc học chơi một loại nhạc cụ sẽ giúp chúng giảm căng thẳng và thúc đẩy sự tự tin.
  • Vào bếp cùng trẻ: Hầu hết thì tất cả trẻ em đều quan tâm đến ăn hơn là nấu ăn. Nhưng bạn sẽ thực sự bất ngờ khi biết được những kinh nghiệm trong bếp sẽ thay đổi con bạn như thế nào. Khi con bạn vào bếp, chuẩn bị bữa ăn cùng bạn, chúng không chỉ được chơi với đồ ăn, cảm thấy mình trưởng thành hơn mà chúng còn cảm thấy vô cùng tự hào với những sản phẩm mình làm ra.
  • Luôn luôn hoan nghênh những thành công của chúng: Không phải là việc khen ngợi quá lời mỗi khi trẻ ăn được một miếng cà rốt. Mà ở đây, điều bạn nên làm là khen ngợi những đứa trẻ của mình mỗi khi chúng đạt được một thành tích lớn, tất nhiên là so với lứa tuổi của chúng. Điều này sẽ khích lệ những đứa trẻ và khiến chúng trở nên tự tin hơn.
  • Hãy thể hiện với con mình rằng bạn cũng đã học được nhiều điều từ chúng: Dường như người lớn luôn mặc định rằng chỉ có họ mới dạy được những đứa trẻ còn chúng thì không thể dạy họ được điều gì. Tuy nhiên, một trong những bí quyết để tạo sự tự tin ở trẻ chính là khuyến khích chúng chia sẻ (chứ không phải khoe khoang) những kiến thức với bạn và người khác. Và nếu bạn học được điều gì đó từ con mình, hãy nói với chúng, chúng sẽ ngẩng cao đầu và tràn đầy tự tin.
  • Kích thích sự sáng tạo: Hầu hết mọi đứa trẻ không sáng tạo là bởi vì chúng không được khuyến khích. Hãy học cách khuyến khích sự sáng tạo của trẻ bằng những cách vô cùng đơn giản. Ví dụ như khi bạn kể một câu chuyện cho bé, thi thoảng hãy dừng lại và hỏi bé xem bé nghĩ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chắc chắn câu chuyện sẽ trở nên hấp dẫn hơn, và não bộ của bé sẽ có cơ hội để sáng tạo.
  • Thể hiện sự tự tin trong những hoạt động của chính bản thân cha mẹ: Điều này là một cách rèn luyện sự tự tin cho bé một cách trực quan nhất, nhưng nó lại thường bị bỏ qua. Hãy nhớ rằng, bạn chính là mẫu hình rõ rệt và ảnh hưởng nhất đến bé vì vậy bé không thể trở nên tự tin nếu như chính chúng ta cảm thấy mất tự tin.
  • Hãy để chúng nói chuyện về vấn đề của mình: Nếu bạn thấy những đứa trẻ của mình nhìn mình với một con mắt mang đầy tâm sự mỗi lần bạn nhìn chúng thì hãy đến và bắt chuyện với chúng. Vì chắc chắn lúc đó chúng đang có nỗi niềm muốn bày tỏ những lại không muốn nói ra với bạn. Điều này sẽ giúp con bạn cảm thấy mình được lắng nghe, chia sẻ, tâm trạng ổn định hơn và tự tin để chia sẻ chuyện của mình.
  • Hãy để chúng trải nghiệm sự thất bại: Trong khi thành công là khá dễ dàng để chấp nhận ở trẻ nhỏ thì thật bại đối với chúng lại là cả một vấn đề to lớn. Và để có thể thực sự đối mặt với thất bại mà ít bị tổn thương nhất thì chỉ có cách là trải nghiệm cảm giác đó một vài lần. Vì vậy hãy cứ để con mình tập đối mặt với những thất bại và điều chỉnh cách hành xử của chúng với thất bại đó theo hướng tích cực. Và sau đó chúng sẽ cảm thấy bớt hụt hẫng khi bị thất bại và càng cố gắng hơn trong những lần sau.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn