Thời điểm hiện nay đang là mùa lễ hội Xuân 2022. Nhiều địa phương đã mở cửa, cho phép tổ chức lễ hội nên người dân về tham dự rất nhiều. Cũng vì thế, nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.
Theo các chuyên gia, để hạn chế nguy cơ mắc ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ hội, các cơ sở chế biến cần vệ sinh thật kỹ bếp và khu vực để làm sạch, chuẩn bị thực phẩm. Bởi sự lây nhiễm bẩn chéo là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm. Ví như, thớt và dao dùng để chặt thịt gà sống nên được rửa kỹ trước khi gọt trái cây, rau củ để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn Salmonella. Thớt bằng gỗ không được khuyến khích sử dụng vì khó làm sạch bề mặt hơn.
Ngoài ra, cơ sở chế biến cần vệ sinh kỹ các dụng cụ, để thực phẩm ở nơi khô ráo, sạch sẽ. Thức ăn nên được nấu chín kĩ, nhất là với thịt sống, trứng và gia cầm vì nguy cơ cao ẩn chứa các vi khuẩn gây bệnh. Đối với các loại thực phẩm chưa dùng tới phải cho vào tủ lạnh ngay lập tức để vi khuẩn và virus không có đủ thời gian phát triển.
Giữ nhiệt độ tủ lạnh ngăn mát dưới 5 độ C, tủ đông ở mức -18 độ C; Thực hiện rửa tay thường xuyên trước và sau khi xử lý thực phẩm bằng xà phòng. Đồng thời, rửa tay trong quá trình nấu nướng và chuẩn bị nếu chuyển từ xử lý thực phẩm này sang thực phẩm khác để giúp ngăn ngừa sự lây lan của các tác nhân gây nhiễm khuẩn.
Đối với khách hàng, cần lựa chọn những quán ăn trông sạch sẽ, bắt mắt. Trước khi ăn, cần rửa tay sạch và chọn những món ăn đã được nấu chín kỹ. Tránh gọi những món ăn lạ, hoặc những món bản thân có tiền sử dị ứng; Không ăn các loại thức ăn bán lề đường, không được che chắn cẩn thận. Đối với các loại rau quả và trái cây cần rửa sạch trước khi ăn, giúp loại bỏ những chất bẩn, thuốc trừ sâu, hóa chất hay các tác nhân lây nhiễm khác.
Ngộ độc thực phẩm phổ biến hơn và có nguy cơ diễn biến triệu chứng nặng hơn đối với những người bị suy giảm miễn dịch, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và người già. Nếu bạn thuộc một trong những nhóm này, hãy cố gắng tránh: Sushi và các loại hải sản tươi sống khác, động vật có vỏ nấu chín một phần (trai, sò điệp,...); Thực phẩm hun khói (thịt lợn hun khói, lạp sườn,…); Sữa tươi, phô mai mềm chưa được bảo quản lạnh; Rau sống (rau mầm, salad, dưa chuột); Thức ăn nhanh, đóng hộp (pate, xúc xích, thịt nguội).
Trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, cần cung cấp đủ nước cho người bệnh. Theo đó, nên cho người bệnh uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải như oresol hoặc nước muối pha loãng. Một người có thể mất một lượng đáng kể nước, điện giải khi bị tiêu chảy và/hoặc nôn mửa và cần được bổ sung kịp thời.
Nếu bệnh nhân có các biểu hiện như sốt, có lẫn máu trong phân, tiêu chảy kéo dài hơn 72h và/hoặc nôn mửa nhiều lần ngăn cản việc uống và bù nước, dấu hiệu mất nước nặng như choáng váng khi thay đổi tư thế, yếu cơ, giảm lượng nước tiểu,... cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được hỗ trợ, cấp cứu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn