Trên đời này có một mối quan hệ khó hòa hợp nhất chính là quan hệ gia đình.
Trước khi lập gia đình và lập nghiệp, chúng ta đều nghĩ rằng khó nhất là hòa hợp với người ngoài và dễ nhất là hòa hợp với người nhà. Tuy nhiên, sau khi đi làm và kết hôn, chúng ta mới chợt nhận ra mối quan hệ giữa người thân lại là điều rất khó.
Đối với bạn đời, dù chúng ta không hề có tơ tưởng gì bên ngoài nhưng lại khiến đối phương nảy sinh nghi ngờ. Nghi ngờ về các mối quan hệ ngoài luồng, nghi ngờ chuyện tiền bạc... anh không tin em, em không tin anh thì việc kết hôn liệu còn có ý nghĩa gì.
Đối với người lớn tuổi trong nhà, họ thường có xu hướng thích áp suy nghĩ của mình lên người khác. Điều này khiến chúng ta dễ cảm thấy ấm ức, không phục và không hài lòng nhưng lại không thể nói ra.
Đối với con cái, chúng đôi khi cảm thấy cha mẹ không hiểu mình, người ngoài mới tốt hơn, nảy sinh tâm lý nổi loạn, mâu thuẫn với cha mẹ. Kết quả là mối quan hệ của chúng ta với con cái ngày càng xấu đi.
......
Gia đình là một xã hội nhỏ, những người thân trong đó đều có cách nhìn nhận về thế giới và thói quen sinh hoạt khác nhau. Cũng bởi điều này mà việc phát sinh mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình cũng là điều khó tránh khỏi.
Cách tốt nhất để hòa hợp với người thân là không phải tùy cơ ứng biến, cũng không phải đưa tiền bạc ra để giải quyết mà là phải nắm được 2 điểm này:
1. Giữ khoảng cách và giữ không gian riêng tư cho nhau
Tại sao việc hòa hợp với họ hàng lại khó đến vậy? Tại sao nhiều người muốn đối xử tốt với người ngoài hơn là đối xử tốt với chính người thân trong gia đình mình?
Một nhà tâm lý học từng nói rằng khi bạn quá thân thiết với một người, bạn sẽ chỉ thấy khuyết điểm của người đó, còn họ sẽ phóng đại những khuyết điểm của bạn. Chúng ta sống chung dưới một mái nhà với những người thân của mình, ngày đêm bên nhau, chuyện phát sinh mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi.
Làm thế nào chúng ta có thể xoa dịu điều này? Cách tốt nhất là giữ khoảng cách phù hợp giữa những người thân và không nên quá gần gũi. Đây chính là khoảng cách sinh ra vẻ đẹp.
Ví như để hòa thuận với cha mẹ thì con cái đã lập gia đình riêng nên sống gần, không sống chung. Sau một thời gian, bạn sẽ thấy mối quan hệ giữa hai bên tốt hơn rất nhiều.
Đối với bạn đời, nên dành cho họ sự tin tưởng. Đôi bên đều cần có không gian riêng tư nhất định, tôn trọng lẫn nhau. Nhớ rằng không phải luôn ở sát bên nhau mới là tình yêu sâu sắc. Làm được như vậy, tình cảm vợ chồng sẽ ngày càng gắn kết.
Nhiều người không biết nắm bắt chữ khoảng cách nên để xảy ra mâu thuẫn lớn đáng tiếc trong gia đình. Mỗi người chúng ta đều cần có "lãnh thổ" của riêng mình và việc duy trì một khoảng cách nhất định là điều đặc biệt quan trọng.
2. "Chuyển" mâu thuẫn ra bên ngoài một cách khôn ngoan
Nếu xảy ra xung đột giữa hai người, làm thế nào để có thể hòa giải làm lành như trước, hay ít nhất là xoa dịu xung đột?
Có người cho rằng nên hội tụ lợi ích của đôi bên, có người lại cho rằng hai người nên có mục tiêu chung. Kết hợp 2 điểm này lại, chúng ta có thể đi đến một câu trả lời rằng người thân muốn duy trì mối quan hệ hòa thuận, tốt nhất nên “một lòng một dạ” với thế giới bên ngoài.
Lấy mối quan hệ giữa con dâu và mẹ chồng làm ví dụ. Mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu vốn là một bài toán nan giải từ xưa đến nay. Theo lời khuyên ở trên đây, cả mẹ chồng và nàng dâu đều cần tìm ra "kẻ thù" không đội trời chung để chuyển hướng xung đột. Ví như nhà hàng xóm ồn ào quá ảnh hưởng đến việc học của lũ trẻ thì con dâu và mẹ chồng có thể cùng sang nhà hàng xóm giải quyết với nhau. Dần dần, bạn sẽ thấy mối quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu trở nên tốt hơn nhiều.
Tại sao lại có tình trạng như vậy? Trọng tâm của xung đột có thể được dịch chuyển. Điều quan trọng ở đây chính là gia đình một lòng nhất quán với bên ngoài, xung đột có thể chuyển sang người khác.
Cuộc sống theo nhóm là như vậy. Bạn thông qua tôi để đạt được mục tiêu của bạn và tôi thông qua bạn để đạt được mục tiêu của mình. Kết quả là, chuỗi lợi ích và mâu thuẫn được hình thành.
Suy cho cùng, mâu thuẫn dễ xảy ra giữa những người thân là vì sự khác biệt về “quyền lợi”, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ huyết thống vốn đã mong manh.
Vậy sự khác biệt về quyền lợi này có liên quan đến “khoảng cách” không? Sự thật thì khi bạn quá thân với một người, lợi ích đôi bên xảy ra xung đột là điều khó tránh khỏi. Mối quan hệ của bạn với anh chị em vốn rất tốt, nhưng đến lúc phân chia tài sản gia đình, tình cảm đó sẽ nhanh chóng biến mất, những mâu thuẫn và xung đột sẽ thay thế cho cái gọi là quan hệ anh em. Giữa vợ chồng cũng vậy, vì khoảng cách quá gần mà đôi bên đều có thể cảm thấy bị gò bó, không có cảm giác về không gian riêng, dẫn đến xung đột lợi ích.
Bên cạnh đó, nếu biết cách chuyển xung đột thì xung đột lợi ích giữa các thành viên trong gia đình sẽ trở thành “hợp tác lợi ích”. Hợp tác với nhau về lợi ích, cùng có mục tiêu chung thì gia đình sẽ trở nên hòa thuận hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn