Ở tuổi trưởng thành, bạn đạt được chiều cao tối đa. Con số chiều cao gắn bó mật thiết với cuộc sống của bạn, từ việc khám bệnh hay đi mua quần. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học chỉ ra, chiều cao của bạn có thể thay đổi theo tuổi tác. Đó hoàn toàn không phải chuyện hoang đường, bởi chắc chắn bạn sẽ thấp đi theo thời gian.
Giảm chiều cao do tuổi tác là một phần điển hình của việc già đi. Theo Medline Plus, con người sẽ giảm khoảng 1 cm chiều cao cứ sau mỗi 10 năm sau tuổi 40 và tốc độ giảm chiều cao đó tăng nhanh sau tuổi 70. Nhìn chung, bạn có thể giảm từ 1-3 inch (hơn 7 cm) chiều cao khi có tuổi.
Chiều cao giảm đi theo tuổi tác là bình thường. (Ảnh minh họa).
Vì sao khi già đi, bạn đồng thời lùn đi?
Ở cấp độ vĩ mô, bạn sẽ thấp dần đi khi già, do những thay đổi ở xương, cơ và khớp. Tiến sĩ Angela Catic, bác sĩ lão khoa và phó giáo sư tại Trung tâm Huffington về Người cao tuổi tại Đại học Y khoa Baylor (Mỹ), nói với Yahoo Life: "Đĩa đệm giữa các đốt sống trong cột sống của bạn mất chất lỏng khi bạn già đi. Xương mất nước, đồng nghĩa với việc bạn giảm một chút chiều cao". Catic cho biết, cơ bụng cũng có xu hướng yếu đi theo thời gian, gây ra tư thế khom lưng, khiến bạn trông thấp hơn.
Tiến sĩ Arashdeep Litt, bác sĩ nội khoa của Spectrum Health, nói rằng ở phụ nữ, thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng tốc độ mất xương do mất tác dụng bảo vệ của estrogen đối với xương. Điều đó khiến bạn trở nên thấp hơn.
Giảm chiều cao cũng có thể là do loãng xương, một bệnh về xương phát triển khi mật độ khoáng và khối lượng xương giảm, hoặc khi chất lượng hoặc cấu trúc của xương thay đổi. Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), điều đó có thể làm giảm sức mạnh của xương và tăng nguy cơ gãy xương. Theo các bác sĩ, bạn có nguy cơ loãng xương nếu bị giảm chiều cao tổng thể từ 3,8 cm trở lên hoặc giảm chiều cao từ 2cm trở lên so với lần đo gần đây nhất.
Làm sao để hạn chế giảm chiều cao?
Dù giảm chiều cao là bình thường theo tuổi tác nhưng Catic nói bạn có thể hạn chế nguy cơ giảm chiều cao bằng cách làm như sau:
- Tập thể dục thường xuyên.
- Nâng tạ, tập thể dục thường xuyên làm căng xương và giúp chúng chắc khỏe hơn.
- Ăn chế độ ăn giàu canxi và vitamin D để hỗ trợ sức khỏe của xương.
- Tránh hút thuốc, uống quá nhiều rượu và uống quá nhiều caffein, bởi đây là những yếu tố nguy cơ gây loãng xương.
Nếu bạn cảm thấy mình đang bị sụt giảm chiều cao nghiêm trọng, nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra cụ thể về xương khớp.
Ăn gì cho xương chắc khỏe, giảm khả năng bị lùn đi?
Nên bổ sung đầy đủ vào thực đơn hàng ngày các thực phẩm tốt cho xương, để đảm bảo hệ xương khớp luôn phát triển khỏe mạnh và dẻo dai.
Canxi: Canxi có thể có trong sữa và các chế phẩm từ sữa, rau chân vịt, bông cải xanh, hạnh nhân, các loại đậu, hải sản...
Vitamin D: Thực phẩm giàu vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn. Các vitamin D dồi dào trong cá béo, trứng, nước trái cây, rau củ...
Vitamin K: Vitamin K2 tham gia sản xuất Osteocalcin (một loại protein tham gia vào quá trình hình thành xương). Vitamin K có trong cải bó xôi, măng tây, cần tây, dầu oliu, bơ, cà rốt...
Magie, kẽm, vitamin C, photpho... đều là những vi lượng cần cho cơ thể, liên quan đến sự hình thành và phát triển của hệ xương khớp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn