Bệnh hen suyễn thường có xu hướng diễn biến phức tạp qua từng độ tuổi. Do đó, ở mỗi độ tuổi bệnh nhân sẽ cần các cách khác nhau để kiểm soát tình trạng bệnh.
Bệnh hen suyễn ở trẻ em thường gây ra các triệu chứng không liên tục. Tuy nhiên, trẻ em lại là đối tượng rất nhạy cảm với các chất gây dị ứng. Do đó, các cơn hen ở trẻ thường xuất hiện nhiều hơn khi tiếp xúc với các chất dị ứng.
Triệu chứng của bệnh hen suyễn ở trẻ thường có xu hướng ít nghiêm trọng hơn ở tuổi dậy thì. Nhưng bệnh lại có nguy cơ tái phát vào những độ tuổi lớn hơn của trẻ. Chính vì vậy mà trẻ cần được theo dõi kĩ lưỡng ngay trong thời gian đầu phát bệnh.
Khác với trẻ em, các triệu chứng của bệnh hen suyễn ở người lớn lại có xu hướng kéo dài. Thậm chí, cơn hen có thể bùng phát thường xuyên nếu bệnh nhân không được điều trị hàng ngày. Ở tuổi trưởng thành, phụ nữ là đối tượng có khả năng mắc hen suyễn cao hơn so với đàn ông. Bên cạnh đó, béo phì chính là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh hen suyễn ở người trưởng thành.
Ở phụ nữ, sự thay đổi hormone là yếu tố nguy cơ phổ biến của bệnh hen suyễn. Bởi sự thay đổi này có thể kích thích cơn hen khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Thông thường, trong độ tuổi này bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị bằng thuốc cắt cơn, ngừa cơn. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng sẽ được yêu cầu thực hiện một số thói quen tốt, bao gồm:
- Ngủ đủ giấc.
- Thường xuyên luyện tập thể dục hoặc các môn như thiền, yoga.
- Hạn chế sự căng thẳng, lo âu.
- Đảm bảo chức năng của hệ hô hấp.
Thừa cân, béo phì và thường xuyên tiếp xúc với ô nhiễm là đặc thù của lứa tuổi này. Cũng chính những điều này đã khiến các cơn hen nghiêm trọng và kéo dài hơn. Do đó, việc giữ cân nặng phù hợp là điều kiện tiên quyết để kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên áp dụng một số mẹo nhỏ như sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và hợp lý.
- Tăng cường vận động bằng các môn thể thao phù hợp và vừa sức.
- Sử dụng ống hít trước khi tập luyện hoặc vận động mạnh.
- Khởi động kỹ và ngừng tập luyện khi có các cơn hen trong quá trình tập luyện.
- Thực hiện tiêm phòng cúm hàng năm.
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định và liều lượng của bác sĩ.
Kiểm soát bệnh hen suyễn ở độ tuổi 50
Ở độ tuổi này, phụ nữ là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn. Đồng thời, đây cũng là độ tuổi mà các cơn hen suyễn trước đó sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Bởi quá trình tiền mãn kinh sẽ gây suy giảm nội tiết tố, khiến cơn hen xuất hiện dai dẳng. Bên cạnh đó, các loại thực phẩm bổ sung estrogen cũng là một nguyên nhân gây ra hen suyễn.
Mặt khác, bệnh nhân cũng nên cảnh giác với căn bệnh cảm lạnh kéo dài. Vì nó có thể là dấu hiệu cảnh báo của căn bệnh hen suyễn ở độ tuổi 50. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần tránh xa các chất kích thích như bia, rượu và thuốc lá. Thậm chí, việc tiếp xúc với khói thuốc lá cũng được xem là rất nguy hại với bệnh hen suyễn.
Sau tuổi 60, lượng khí mà phổi có thể chứa được sẽ bị suy giảm. Do đó, việc chẩn đoán hen suyễn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đồng thời, bệnh hen suyễn cũng có thể bị nhầm lẫn với các căn bệnh như tắc nghẽn phổi mãn tính hay trào ngược dạ dày. Do đó, để chẩn đoán chính xác, bệnh nhân cần làm một số xét nghiệm cần thiết.
Ngoài ra, việc bệnh nhân mắc nhiều căn bệnh cùng lúc cũng sẽ gây bất lợi cho điều trị. Bởi các loại thuốc có thể tương tác với nhau, gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế, ở độ tuổi này bệnh nhân cần thường xuyên thảo luận với bác sĩ về cách điều trị. Trong một số trường hợp, bệnh nhân còn có thể gặp khó khăn khi sử dụng thuốc hít do tay bắt đầu yếu đi. Với vấn đề này, bệnh nhân nên cân nhắc để chuyển từ thuốc hít hoặc uống qua thuốc tiêm.
Kiểm soát tốt là cách hiệu quả nhất để tránh bệnh hen suyễn diễn biến nghiêm trọng hơn. Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn căn bệnh này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn