Tỏi ngâm giấm là một trong những món ăn kèm lý tưởng giúp bạn chống ngán và kích thích vị giác. Không chỉ vậy, tỏi còn có vô vàn công dụng tốt cho sức khỏe. Không cứ mùa xuân mưa ẩm nhiều, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, vi trùng sinh sôi, dễ mắc các bệnh về hô hấp mới cần ăn tỏi để tăng sức đề kháng. Bạn có thể làm tỏi ngâm giấm chua ngọt quanh năm để sử dụng.
Tỏi là loại gia vị không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều người không thích ăn tỏi bởi chúng thường để lại mùi nặng và ảnh hưởng đến hơi thở. Nhưng ăn tỏi rất tốt cho cơ thể và có thể tìm các cách chế biến giúp bạn ăn tỏi thoải mái mà không lo hơi thở "nặng mùi".
Tỏi rất giàu dinh dưỡng, chúng chứa allicin - tạo nên vị cay và vitamin B1, có thể thúc đẩy các kết nối thần kinh trong não hoạt động tốt hơn. Theo nghiên cứu, allicin trong tỏi có khả năng diệt khuẩn cực mạnh và góp phần nâng cao khả năng miễn dịch. Đồng thời, chúng còn có tác dụng ngăn ngừa ung thư, bổ sung thể lực và ức chế sự gia tăng của cholesterol.
Theo Sohu, ăn tỏi có tác dụng chống dị ứng. Thêm tỏi vào chế độ ăn hàng ngày có thể làm giảm được mức độ phản ứng dị ứng, đặc biệt là do thay đổi nhiệt độ. Không chỉ vậy, tỏi còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, có thể sửa chữa các chất có hại tích tụ trên da sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tăng độ đàn hồi cho da và làm chậm quá trình lão hóa.
Ngoài ra, nguyên tố vi lượng selen trong tỏi còn giúp loại bỏ độc tố và giảm bớt gánh nặng giải độc cho gan, từ đó bảo vệ gan tốt hơn. Với nhiều lợi ích tuyệt vời như vậy, bạn nên "thủ" sẵn một lọ tỏi ngâm giấm chua ngọt trong bếp để sử dụng bất cứ lúc nào.
Bạn có thể chọn tỏi củ còn độ tươi (phần cọng tỏi còn xanh) hoặc dùng tỏi đã phơi khô. Tỏi vỏ trắng là lựa chọn tốt hơn cả để ngâm tỏi chua ngọt.
Vị cay nhẹ, thích hợp để ngâm chua. Bạn có thể chọn tỏi già hoặc tỏi non mới lên, tuy nhiên chúng đều phải đều củ, căng mọng, tươi, không sâu bệnh hay thối ọp.
Tỏi trước khi ngâm cần lột bớt 1 hoăc 2 lớp vỏ mềm bên ngoài. Cắt bỏ phần gốc xơ.
Tỏi trắng hoặc tía - 500g hoặc 1kg (tùy thuộc vào định lượng bạn muốn ngâm)
Muối biển, đường phèn - 350g, giấm táo - 250ml (bạn có thể dùng giấm balsamic để sáng tạo hương vị), lọ thủy tinh đã khử trùng, rượu trắng - 50ml
Tỏi lột bớt lớp vỏ lụa bên ngoài và bỏ rễ. Chọn những củ đều nhau, căng mọng, không ọp và mốc. Cho vào nước sạch đun sôi để nguội, thêm 1 thìa muối, xoa nhẹ nhàng và ngâm trong khoảng 4 giờ. Bạn có thể kéo dài thời gian ngâm, tối đa 1 ngày (có thay nước giữa chừng).
Sau đó, vớt rỏi ra để thật ráo nước.
Cho vào nồi khoảng 2 lít nước, đường phèn và giấm táo. Đun đến khi nước nóng, khuấy đều cho đường phèn tan hết và giấm táo quyện vào hỗn hợp nước. Sau đó để nguội dần.
Xếp tỏi vào hũ thủy tinh đã khử trùng. Đổ phần nước đường giấm đã chuẩn bị vào, thêm khoảng 50ml rượu trắng.
Đóng chặt nắp và khoảng 1 tuần sau, tỏi sẽ "ngấu" và trở nên giòn, chua chua ngọt ngọt.
Bạn có thể bảo quản tỏi ngâm giấm chua ngọt này trong tủ lạnh đến khoảng 2 tháng. Tuy nhiên để giữ được các tép tỏi sau khi ngâm chua ngọt được ngon và giòn nhất, không bị quá chua thì bạn nên làm số lượng vừa ăn.
Tỏi ngâm giấm khi hoàn thành sẽ có màu trong đẹp. Màu của tỏi ngâm chua ngọt sẽ chuyển sang đậm hơn theo thời gian. Hương vị cũng hấp dẫn và thơm dịu, không có vị hăng cay quá.
Lưu ý khi làm tỏi ngâm giấm chua ngọt:
- Không dùng hộp nhựa để ngâm tỏi chua ngọt.
- Bạn có thể dùng phần nước ngâm cũ pha chế để tạo mẻ ngâm tỏi mới để không mất thời gian.
- Khi bảo quản, nên tránh ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào tỏi ngâm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn