Viêm cột sống dính khớp là bệnh lý viêm mạn tính kéo dài với các dấu hiệu như đau và tổn thương khớp cùng chậu, cột sống và các khớp chân. Bệnh khiến một số đốt sống dính lại với nhau làm sưng lên, dẫn đến làm cho người bệnh khó cử động, nếu không chữa trị có thể dẫn đến bị gù, vẹo, nặng hơn là tàn phế. Trong một số trường hợp, bệnh còn ảnh hưởng đến các khớp khác trong cơ thể như khớp háng, khớp gối, bàn chân, dây chằng, đôi khi còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác như tim, gan, phổi.
Luyện tập thể thao là một trong những biện pháp hiệu quả đối với những người bị bệnh viêm khớp, đặc biệt là những người bị viêm cột sống dính khớp. Theo các chuyên gia y tế, luyện tập thể thao là một phần quan trọng trong điều trị viêm cột sống dính khớp để giúp người bệnh duy trì cử động và chức năng của các khớp. Luyện tập cũng có thể giúp làm giảm đau, cải thiện tư thế, giải quyết các vấn đề liên quan đến mất cân bằng cơ, giúp bạn dễ thở hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống nói chung.
Tuy nhiên, người bệnh cần đảm bảo rằng việc luyện tập là đúng cách và cẩn thận, đặc biệt là trong các đợt bệnh bùng phát để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh. Trước tiên, người bệnh cần có một lịch trình luyện tập phù hợp đối với tình trạng bệnh, tốt nhất là dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia trị liệu.
Cùng với đó, cần dành thời gian phù hợp mỗi ngày để luyện tập, giúp người bệnh duy trì sức khoẻ, sự dẻo dai và các chức năng của cơ thể. Các chuyên gia trị liệu khuyến cáo, để đạt được hiệu quả như mong muốn, cần luyện tập hàng ngày và luyện tập vào khung giờ cố định. Tuy nhiên, chỉ nên tập khoảng 20 phút trong vòng 24 giờ.
Vì bệnh viêm cột sống dính khớp chủ yếu ảnh hưởng đến cột sống, nên người bệnh cần duy trì tư thế đúng trong tất cả các bài tập. Tốt hơn hết là người bệnh nên tập trước gương để kiểm tra được tư thế của mình.
Luyện tập thường xuyên là điều kiện tiên quyết để mang đến hiệu quả khả quan. Tuy nhiên, để không nhàm chán, cần tìm ra bài tập và các hoạt động mà bản thân yêu thích để duy trì lâu dài. Đi bộ cũng là một lựa chọn đạt hiệu quả trong vận động cũng như trong quá trình thư giãn. Và đừng quên, trước khi bắt đầu cần trao đổi với bác sĩ và chuyên gia trị liệu để được giúp đỡ điều chỉnh các bài tập khi cần.
Đặc biệt, người bệnh không nên chỉ luyện một dạng bài tập, không nên tập các bài tập gây đau hay luyện tập quá sức. Người bệnh cần đặt mục tiêu phối hợp các bài tập giãn cơ, tập tư thế, tập giới hạn chuyển động, các bài tập cardio và tập sức mạnh, nhất là ở vùng hông. Nếu phần hông bị yếu, cột sống sẽ có xu hướng làm việc nhiều hơn để hỗ trợ cho hông, từ đó dẫn đến việc sai tư thế và đau. Hãy cân nhắc khi luyện tập các bài tập tác động cao, ví dụ như chạy hoặc các môn thể thao vận động như tennis, bóng quần, bởi những bài tập này có thể làm tăng tình trạng đau ở cột sống, hông và đầu gối.
Các tiến bộ trong điều trị và dùng thuốc đã cho phép rất nhiều bệnh nhân bị viêm cột sống dính khớp có thể duy trì tư thế và sức mạnh, tiếp tục tiến hành các hoạt động mà bạn yêu thích. Nhưng nếu cổ và cột sống của của người bệnh bị cứng thì phải ngừng ngay các hoạt động thể thao đối kháng có thể làm tăng nguy cơ gãy xương, đặc biệt là xương cột sống.
Luyện tập quá sức là một trong những nguy cơ khiến cho bệnh viêm dính khớp tăng nặng. Vì vậy, trong quá trình luyện tập nếu cảm thấy đau hoặc cứng khớp, người bệnh cần giảm cường độ luyện tập.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn