Cách mạng 4.0 tạo ra hy vọng cho kinh tế APEC và thế giới

13:50 | 08/11/2017;
Đó là một chủ đề quan trọng của Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 (AMM 29) ở Đà Nẵng ngày 8/11.
Hội nghị lần thứ 29 liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế đang diễn ra với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao, Kinh tế; Giám đốc điều hành Ban Thư ký quốc tế; Trưởng đoàn quan sát viên; Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh; Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại Thế giới. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì Hội nghị.
hoi-nghi-lien-bo-truong-ngoai-giao-kinh-te-17a.jpg
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 29 liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra hy vọng cho nền kinh tế thế giới nhưng cũng gây ra nhiều lo lắng về các tác động biến đổi của nó. Bên cạnh đó, những đe dọa do căng thẳng khu vực, khủng bố, bất bình đẳng, thiên tai và an ninh mạng ngày càng trở nên cấp thiết hơn.

hoi-nghi-lien-bo-truong-ngoai-giao-kinh-te-12a.jpg
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị

Phó Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh trong năm qua, APEC đã một lần nữa khẳng định năng lực thích nghi, chuyển hóa và dẫn dắt. Là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, APEC tiếp tục đóng góp vào việc bảo đảm châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, vì lợi ích của người dân và các doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao nỗ lực và hợp tác hiệu quả của các quan chức APEC, các doanh nghiệp và các bên liên quan thông qua 9 hội nghị và đối thoại của các bộ trưởng, và hơn 200 cuộc họp của các ủy ban, tiểu nhóm công tác được tổ chức trong năm nay, mang lại những kết quả cụ thể nhằm cụ thể hóa chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.  APEC đang nỗ lực duy trì động lực hợp tác, thúc đẩy 4 ưu tiên của năm APEC 2017: Tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu.

nu-ngoai-truong-uc-2a.jpg
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chào đón Ngoại trưởng Australia Julie Bishop

Phó Thủ tướng đề nghị Hội nghị tập trung vào 3 mục tiêu: Rà soát kết quả tiến trình hợp tác APEC trong năm nay; Hoàn tất các công tác chuẩn bị cho Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC sẽ diễn ra trong hai ngày tới; Quyết định hướng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực then chốt.

Còn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhắc lại những mục tiêu APEC, đặc biệt là việc đạt được các mục tiêu Bogor. Các thành viên sẽ thảo luận về những gì APEC đã và đang thực hiện để hướng tới mục tiêu quan trọng này và sẽ bàn bạc về các bước tiếp tới để thúc đẩy quá trình hoàn thành mục tiêu Bogor. Kể từ Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC lần thứ 23 tại Hà Nội tháng 5/2017, APEC đã có những tiến triển đáng kể và cụ thể trong việc đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các Bộ trưởng cùng trao đổi để đề ra các biện pháp đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, truyển tải thông điệp về quyết tâm của APEC theo đuổi thương mại và đầu tư tự do và mở.

Hội nghị tiến hành 3 phiên họp toàn thể về chủ đề “Tình hình kinh tế thế giới và khu vực và vai trò lãnh đạo của APEC”; “Tạo động lực mới cho tăng trưởng” và “Tạo  động lực mới cho liên kết kinh tế khu vực”. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn