Mới đây, dư luận không khỏi bàng hoàng trước vụ việc một nữ công nhân môi trường đô thị bị kẻ tâm thần sát hại khi đang thu gom rác trên phố Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Cụ thể, vào đêm 4/4/2021, khi đang thu gom rác trước số nhà 302 Cầu Giấy, chị V.T.H bị Lê Như Toàn (30 tuổi, có tiền sử bệnh tâm thần) cầm gạch đánh vào đầu dẫn đến tử vong.
Cách đây 2 năm, nhiều người đau xót trước hình ảnh cậu bé lớp 9 gục khóc bên thi thể người mẹ, chị L.T.T.H, một công nhân vệ sinh môi trường bị tông tử vong trong lúc làm việc trên đường Láng (Hà Nội).
Chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn khiến chị L.T.T.H tử vong thì cùng năm đó, một nữ công nhân môi trường đô thị khác cũng gặp nạn khi đang làm việc trên đường Phúc Lợi (quận Long Biên, Hà Nội). Cụ thể, vào khoảng 6h25 ngày 6/7, một xe taxi đã đâm nữ lao công ở trước ngõ 83 đường Phúc Lợi (phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội), khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Danh tính người bị nạn là chị Nguyễn B. (SN 1968, trú tại Đặng Xá, Gia Lâm), công nhân môi trường đô thị. Ngay sau khi gây ra vụ tai nạn, lái xe đã bỏ đi, sau đó đến công an phường trình báo.
Trước đó, dư luận từng phẫn nộ khi một nữ công nhân môi trường đô thị bị đánh đến ngất xỉu vì nhắc nhở người dân đổ rác đúng nơi quy định. Cụ thể, vào khoảng 19h20 tối 15/6/2017, chị T.T.T. (SN 1985, là công nhân của Urenco 2 - chi nhánh Hoàn Kiếm) đi ra phố Hàng Mắm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để tuyên truyền, nhắc nhở người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định thì bị một số hộ kinh doanh ở đây phản ứng. Sau đó, chị Thanh di chuyển ra phố Nguyễn Hữu Huân để làm việc thì bị 2 đối tượng (1 nam, 1 nữ) tấn công, dẫn đến chị này bị ngất xỉu.
Những vụ việc trên đã khiến nhiều công nhân vệ sinh môi trường cảm thấy lo lắng và bất an khi làm việc trên đường. Do đặc thù công việc, những công nhân vệ sinh môi trường thường làm việc theo ca, bắt đầu hoạt động từ tối đến sáng sớm hôm sau. Đây cũng là khoảng thời gian tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy hiểm cho các công nhân vệ sinh.
Vậy nên, làm sao để đảm bảo an toàn mỗi khi làm việc ca đêm đang là vấn đề được nhiều công nhân vệ sinh môi trường quan tâm.
Chia sẻ với PNVN, chị N.N.M, công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên, cho biết, mong muốn lớn nhất của chị là thời gian làm việc chỉ gói gọn trong 8 tiếng. Theo chị M., phần lớn công nhân môi trường đô thị phải làm quá thời gian quy định, khiến công việc kết thúc muộn. Đây cũng là một trong những lí do khiến công nhân dễ gặp nguy hiểm hơn. "Ca chiều thường bắt đầu lúc 17h. Nếu đầy đủ các dụng cụ cần thiết, mỗi tổ làm trong khoảng 6-7 tiếng là xong việc, trước 12h đêm có thể tan ca. Tuy nhiên, thực tế công nhân phải làm đến 2-3h sáng. Phần lớn nguyên do là phải chờ xe đến cẩu, chở rác đi", chị M cho biết.
Trong khi đó, anh T.H.A., một công nhân lái xe chở rác, chia sẻ, xe chở rác nếu chở quá tải, làm nước thải vương vãi ra ngoài đường sẽ bị CSGT phạt nên những lần vận chuyển chỉ chở đúng trọng tải. Trong khi phương tiện thu gom rác lại không nhiều dẫn đến tình trạng, công nhân môi trường đô thị thường phải làm thêm thời gian.
Chị N.T.V, công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên, nói thêm, nguy hiểm có thể xảy đến với công nhân vệ sinh môi trường rất nhiều. Ví dụ như tai nạn xe cộ, dẫm phải kim tiêm, dập tay khi đổ rác... hay dẫm phải các que xiên nướng bị vứt ngoài đường. Hiện tại, ngoài chế độ bảo hiểm xã hội được trích đóng từ lương, nhân viên chưa có thêm gói bảo hiểm khác trong tình huống gặp chuyện không may. "Chúng tôi cũng có thêm chế độ độc hại nhưng rất thấp. Để rồi khi xảy ra những vụ việc đáng tiếc, công ty sẽ yêu cầu nhân viên góp tiền ủng hộ gia đình người bị nạn khoảng 50 nghìn-100 nghìn đồng/người. Cuối cùng vẫn là lá nát đùm lá tả tơi, người lao động vẫn là người thiệt thòi nhất", chị V. chia sẻ. Vì vậy, chị V. cho rằng, bản thân chị vừa phải cố gắng hoàn thành công việc, vừa lo tự bảo đảm an toàn cho bản thân để mỗi khi hết ca, được an toàn trở về với các con.
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco), công ty luôn đảm bảo nghiêm ngặt quy trình an toàn lao động cho các công nhân. Theo đó, người lao động có trách nhiệm phòng ngừa tai nạn lao động, bảo vệ mình, bảo quản tốt công cụ lao động được trang bị. Ví dụ, công nhân cần tuân thủ việc đội mũ bảo hộ, đeo khẩu trang, đeo găng tay bảo hộ, mặc quần áo bảo hộ, đi giày bảo hộ. Người lao động khi làm việc ban đêm phải mặc áo có phản quang để người tham gia giao thông dễ phát hiện và chủ động tránh. Bên cạnh đó, người lao động chủ động đặt chóp phản quang tại khu vực làm việc, gần ngã ba, tầm rẽ hoặc khu vực khuất tầm nhìn của các phương tiện tham gia giao thông.
Vị đại diện này thông tin thêm, ngoài việc tăng cường trang bị bảo hộ lao động, mỗi năm, công ty tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn kỹ năng xử lý khi có tình huống bất ngờ xảy ra cho công nhân. Sau các chương trình tập huấn, tất cả công nhân phải trải qua kỳ thi sát hạch lại những kiến thức đã được hướng dẫn. Khi nhận được giấy chứng nhận an toàn lao động, công nhân mới có thể bắt đầu công việc.
Chị Nguyễn Thị Lan, công nhân vệ sinh môi trường khu vực đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội), cho biết: "Mặc dù có áo phản quang nhưng thông thường trong đêm tối, các phương tiện hay phóng nhanh, vượt ẩu, nhiều tài xế say xỉn lạng lách nên chúng tôi vừa làm vừa phải tập trung quan sát. Nếu nghe tiếng động cơ xe gầm rú bất thường, phải dừng quét và né tránh ngay lập tức để bảo toàn tính mạng".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn