Áp lực về công việc khiến cô gái 23 tuổi Nguyễn Ngọc Phương (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên bị stress. Đã có một thời gian vì suy nghĩ quá nhiều mà Phương mất ngủ. Công việc luôn đòi hỏi sự sáng tạo nhưng cô không thể tìm ra cảm xúc để làm việc. Mệt mỏi, kiệt quệ về tinh thần, đã có những lúc cô muốn buông xuôi công việc.
Thế nhưng, giờ đây, cô đã khắc phục được việc để tinh thần bị "ốm yếu". Vẫn có những lúc cô gặp năng lượng tiêu cực nhưng cô đã biết cách vượt qua và nhanh chóng lấy lại năng lượng tích cực, tươi vui cho mình. "Cuộc sống nếu cứ quay cuồng trong sự bận rộn, không có chút thời gian dành cho mình thì rất dễ bị stress. Công việc ở công ty chưa xong lại mang về nhà làm. Việc ở nhà thì luôn chân luôn tay. Chưa kể, mối quan hệ với đồng nghiệp, người yêu cũng trục trặc…
Tất cả những điều đó khiến sự mệt mỏi cộng hưởng. Mình nhận ra, nếu cứ ôm hết mọi việc vào người và cố làm hết cho xong thì sẽ có ngày mình gục ngã. Vì vậy, mình thấy cần phải có khoảng nghỉ để chậm lại một chút, nghỉ ngơi một chút, ổn định lại mọi thứ. Chậm lại một chút để nhìn lại hành trình của mình, nhìn lại mối quan hệ để kết nối với người thân, bạn bè… Cho mình khoảng không tĩnh lặng nghĩ về những gì đã trải qua, nghĩ về những điều tốt đẹp. Đó là những năng lượng rất có ý nghĩa với mình", Phương chia sẻ.
Đối diện với những điều không như ý trong cuộc sống, Đoàn Thanh Hằng (sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội) thường khóc lóc vật vã và có những suy nghĩ tiêu cực. Hằng cho biết, cô thường tạo áp lực cho mình trong việc học. Khi không đạt được kết quả mong muốn, cô buồn bã, chán nản và mất hết động lực, tinh thần học tập trong một thời gian dài. Từ ngày lên Hà Nội học, cô chỉ biết tập trung vào học mà bỏ quên các hoạt động khác. "Mình nhận ra lâu nay mình không giao lưu với bạn bè. Thế nên, khi bị stress, mình không biết chia sẻ với ai. Mình tập dần với việc dành thời gian cho bản thân nghỉ ngơi, làm nhẹ những suy nghĩ tiêu cực. Trước nỗi buồn, mình đối diện chứ không trốn tránh nó. Mình đặt câu hỏi cho bản thân và tìm nguyên nhân. Khi biết nguyên nhân, mình sẽ cảm thấy vấn đề được giải quyết".
Sau việc "dọn dẹp" nỗi buồn thì cách hiệu quả để lấy lại năng lượng tích cực, với kinh nghiệm của Hằng, đó là khám phá những sở thích của bản thân. "Trước đây, mình quá tập trung cho việc học mà không biết cuộc sống có nhiều điều thú vị. Mình đã dành thời gian để nghiên cứu kỹ thuật chụp ảnh. Mình nhận ra, niềm đam mê mới này mang đến cho mình nhiều điều hay ho, ý nghĩa. Lúc nào stress, mệt mỏi, mình rủ bạn bè đi chụp ảnh. Năng lượng tiêu cực mất đi nhanh chóng, mình dễ dàng quên đi nỗi buồn", Hằng chia sẻ.
Với Lê Khánh Linh (25 tuổi, nhân viên ngân hàng, ở TP Quy Nhơn, Bình Định), cách đơn giản mà cô vượt qua năng lượng tiêu cực là tập yoga và đi ngủ sớm. "Tập yoga giúp mình giảm stress. Mình nhanh chóng cảm thấy đầy năng lượng, yêu đời. Sau đó, đi ngủ sớm sẽ giúp bạn tái tạo năng lượng sau một ngày mệt mỏi", Linh cho biết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn