Cách nhận biết bánh chưng luộc bằng pin

12:12 | 01/02/2016;
Câu chuyện bánh chưng luộc bằng pin không phải là mới, nhưng năm nào cũng trở thành chủ đề nóng.
Những người bán bánh chưng lâu năm cho hay, bình thường, để luộc chín một mẻ bánh mất khoảng 8-10 giờ, nhưng chỉ cần cho một cục pin vào nồi bánh thì khoảng 1 giờ là bánh đã rền. Trong môi trường kiềm, tinh bột hấp thụ nước tốt hơn nên bánh mau chín hơn.
 
Tài khoản Chu Thuy Hang mới đây đã đăng tải trên trang facebooker cá nhân của mình cách phân biệt bánh chưng an toàn. Tác giả chia sẻ: "Mình có ông anh họ làm giảng viên tại khoa Sinh học - Đại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội. Ông hướng dẫn mình cách phân biệt bánh chưng luộc bằng pin".

Theo đó, để phân biệt bánh chưng luộc thông thường với bánh chưng “siêu tốc”, người tiêu dùng nên quan sát kỹ màu sắc trong và ngoài bánh.

Lá bên ngoài: Nếu vỏ lá bên ngoài có màu ánh tím hoặc màu xanh mướt thì nhiều khả năng đó là bánh chưng luộc bằng pin. Còn đối với bánh chưng luộc theo phương pháp truyền thống, lá thường ngả màu hơi vàng và không thể xanh mướt được.
banh_chung.jpg
Bánh chưng luộc bằng phương pháp truyền thống có màu xanh nhạt 
Vỏ bánh chưng: Với bánh chưng luộc bằng pin, vỏ bánh xanh rờn, nếp trong, bắt mắt hơn. Đối với bánh chưng luộc bình thường, vỏ bánh màu xanh nhạt hơn hoặc ngả thành màu hơi vàng. Nếp không được trong như bánh chưng luộc bằng pin.

Nhân bánh chưng: Bánh chưng luộc bằng pin không được dền, vì ép chín nhanh nên không dẻo, thơm mùi vị đặc trưng giống như bánh chưng luộc thông thường.

Ngoài ra, bánh chưng luộc bằng pin thì khi cầm lên sẽ không chắc tay.

banh_chung2.jpg
Vỏ bánh màu xanh lét được cho là luộc bằng pin 
Facebooker Linh Trang cho hay: "Sáng nay cúng ông Công ông Táo, mình mua phải một chiếc bánh trưng mà khi bóc ra, vỏ bánh chưng xanh lét, giống hệt màu lá, mình sợ quá liền vứt luôn chiếc bánh đi, chạy ra chợ kiếm chiếc bánh khác".

Tài khoản Hoang Anh Tu thì than thở: "Thèm cái cảm giác được ngồi trông nồi bánh chưng qua đêm như hồi ấu thơ. Vừa vui mà ăn lại an toàn, đảm bảo sức khỏe nữa. Nhưng giờ có muốn luộc bánh chưng thì chắc phải mang lên sân thượng, chứ nhà cửa trong phố chật thế này sao luộc được. Mà luộc trên sân thượng lại sợ nóng quá, hỏng trần nhà. Thôi đành sống chung với lũ vậy".

Tài khoản Phùng Đức, tự nhận mình là một người bán bánh, tâm sự: "Các bạn đừng nghĩ ai bán bánh chưng cũng luộc bánh bằng pin. Mấy nhà gói bán bánh thất đức mới làm vậy để được nhiều hàng thôi, chứ nhà mình gói bánh chưng rồi luộc bán mất gần 12 tiếng. Nghe các bạn bàn luận mà tôi thấy tủi thân quá".

Facebooker Việt Hà lại cho rằng: "Tôi nghĩ bánh chưng có vỏ màu xanh chưa chắc là do luộc bằng pin đâu bạn ạ. Tôi thấy có loại lá của người dân tộc mà khi thổi xôi có thể cho ra loại xôi màu tím, loại xôi màu xanh... Những lá này không hề độc hại bạn nhé. Bánh chưng có màu xanh lét có thể là do người bán hàng đã cho thêm loại lá này khi ướp gạo, để gạo có màu xanh đẹp mắt".

Facebooker Danny thì mong muốn: "Rất mong các nhà khoa học sáng chế ra một chiếc máy thử để nhận biết được bánh chưng luộc bằng pin hay các loại hoa quả bị ngâm hóa chất. Có như vậy thì sức khỏe người dân mới được đảm bảo".

Các chuyên gia tại trường Đại học Bách Khoa cho hay, khi luộc bánh chưng bằng pin, trong môi trường kiềm, màu xanh của lá chuyển thành màu xanh đậm của chlorophyllin nên làm lá xanh hơn. Cũng trong môi trường kiềm, tinh bột hấp thụ nước tốt hơn nên bánh mau chín hơn (cũng như khi nấu chè, người ta cho thêm thuốc tiêu NaHCO3 nhằm làm đậu mau mềm). Như vậy, cho pin vào nước luộc chỉ là tạo môi trường kiềm nhằm làm xanh lá, bánh mau chín và nếp trong.

Các chất từ pin chủ yếu là kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium và thạch tín... Chì đặc biệt độc hại đối với não và thận, hệ thống sinh sản và hệ thống tim mạch của con người. Nhiễm độc chì sẽ gây hại đến các chức năng của trí óc, thận, gây vô sinh, sẩy thai và tăng huyết áp.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn