Cách nhìn đa diện về giới trong xã hội hiện đại

08:00 | 08/03/2023;
Một thực tế đang diễn ra là trong những năm gần đây, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, xu hướng công khai giới tính ngày càng trở nên phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng...

1. Việt Nam là một trong những quốc gia đề cập đến vấn đề giới, bình đẳng giới khá sớm trên cả phương diện pháp lý và thực tiễn. Từ khi có luật Bình đẳng giới (2006) đến nay, quyền bình đẳng giữa nam và nữ ngày càng có những kết quả cao, được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia có chỉ số phát triển giới khá tốt so với các quốc gia có cùng trình độ phát triển kinh tế1. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nội hàm khái niệm giới, bình đẳng giới như trong Luật đang trở nên "chật hẹp", chưa bao gồm được những mối quan hệ giới ở các chiều cạnh khác đang nảy sinh do sự phát triển rất nhanh của kinh tế - xã hội trong nước và thế giới. 

Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế và ở Việt Nam cho rằng định nghĩa pháp lý cũng như trong khuôn khổ thể chế về giới, bình đẳng giới ở Việt Nam là nhị nguyên giới, tức là nó mới chỉ liên quan đến nam và nữ, chưa đề cập đến bản dạng giới cũng như xu hướng tính dục khác bao gồm những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, người liên giới tính và những người đa dạng giới và tính dục khác 2. Điều này đã khiến cho một bộ phận công dân Việt Nam chưa được xác định giới tính thực của họ mà vẫn phải xác định là nam hay nữ theo luật định.

Cách nhìn đa diện về giới trong xã hội hiện đại - Ảnh 1.

Trên thế giới có khoảng 72 quốc gia đã thừa nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp, cùng với đó là ban hành nhiều đạo luật nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi và sự công bằng cho những người thuộc LGBT.

Một thực tế đang diễn ra là trong những năm gần đây, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, xu hướng công khai giới tính ngày càng trở nên phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các vấn đề có liên quan tới người đồng tính, song tính, chuyển giới, liên giới tính… (gọi chung là cộng đồng LGBT) đang là vấn đề được xã hội quan tâm. 

Trên thế giới có khoảng 72 quốc gia đã thừa nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp, cùng với đó là ban hành nhiều đạo luật nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi và sự công bằng cho những người thuộc LGBT. Tại Việt Nam gần đây, cộng đồng LGBT đã và đang hiện diện rõ ràng hơn trong xã hội, số người chuyển giới hoặc công khai xu hướng tính dục của mình ngày càng tăng. 

Do vậy, chúng tôi đồng ý với khá nhiều ý kiến cho rằng, khái niệm giới, bình đẳng giới trong xã hội hiện đại ngày nay không chỉ bao hàm mối quan hệ giữa nam và nữ về mặt xã hội, về bình đẳng giữa nam giới và nữ giới mà còn phải cả nhóm LGBTQ+ đều được hưởng những điều kiện như nhau. 

Họ được hưởng đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển chung của xã hội. Chỉ khi khái niệm giới và bình đẳng giới được mở rộng như trên, bộ phận LGBTQ+ mới được công khai và sống thực với giới tính của mình mà không sợ bị phân biệt, kỳ thị, được bình đẳng với những người khác về mọi mặt.

Cả về mặt y học cũng như xã hội đã và đang khẳng định, những người đồng tính, song tính, vô tính và liên giới tính không phải là do bệnh hay do lối sống lệch lạc mà chỉ là họ có xu hướng giới tính khác với số đông những người còn lại. Sự tồn tại của họ mang tính tự nhiên, do bẩm sinh, càng không bị bệnh nên không cần và không thể điều trị. 

Họ hoàn toàn không có lỗi, nhưng họ đang rất khó khăn, vất vả để thích nghi và tồn tại trong xã hội còn quá nhiều định kiến như hiện nay. Do vậy, cả về phương diện pháp lý và phương diện đạo đức, chúng ta không nên (không có quyền) thể hiện thái độ kỳ thị, phân biệt, mà hãy tạo điều kiện công bằng cho họ trong môi trường sống, làm việc với đúng vai trò giới tính vốn có của họ. 

Thực tế những năm gần đây, thế giới phải công nhận và ngưỡng mộ nhiều tỷ phú đồng tính như David Geffen - Tỷ phú truyền thông, Tymoxy Donald Cook - CEO của hãng công nghệ Apple hay Chris Hughes - người đồng sáng lập ra mạng xã hội Facebook. Đây cũng là một trong những động lực và niềm tin để cộng đồng LGBT ở Việt Nam tiếp tục khẳng định bản thân là một trong những căn cứ thực tiễn để Việt Nam bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến cộng đồng này.

Cách nhìn đa diện về giới trong xã hội hiện đại - Ảnh 2.

dòng búp bê có thể tùy chỉnh của Công ty đồ chơi Mattel

 

2. Vấn đề công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân nói chung là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế. 

Khi nói đến quyền công dân, Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp 2013 của Việt Nam tuy không sử dụng đích danh cho từng nhóm người cụ thể, nhưng đối tượng áp dụng là cho tất cả "mọi người" không kể giới tính, độ tuổi, tôn giáo, dân tộc cũng như xu hướng tính dục hay bản dạng giới như thế nào thì vẫn được hưởng các quyền bình đẳng và không bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội. 

Những quy định của pháp luật về quyền con người là đảm bảo quan trọng nhất để mọi người có cơ hội và điều kiện thuận lợi thụ hưởng quyền con người, trong đó có cộng đồng LGBT3. Hiện chúng ta đang tiếp tục xây dựng dự án luật chuyên ngành đối với LBGT - Luật Chuyển đổi giới tính, là một bước tiến lớn trong bảo vệ quyền bình đẳng của LGBT.

Chính phủ Việt Nam đã tích cực và chủ động thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III, trong đó bao gồm những khuyến nghị liên quan đến việc chống bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới. Tại các diễn đàn Liên hợp quốc, Việt Nam cũng ủng hộ thảo luận về chống bạo lực và phân biệt đối xử với người LGBT... thể hiện thái độ cởi mở và tiếp thu trong việc hợp tác với các tổ chức LGBT.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, do các văn bản pháp lý còn thiếu đồng bộ, thống nhất, thiếu những quy định hướng dẫn thực hiện quyền của LBGT dẫn đến nhận thức, quan điểm quản lý nhà nước về LBGT còn chưa cởi mở, hạn chế, bất cập khiến cộng đồng LBGT chưa được chính thức công nhận và bảo vệ toàn bộ các quyền nhân thân một cách trọn vẹn, thậm chí còn bị xâm hại, ngược đãi. Nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc xác định, quản lý, bảo vệ LGBT, đòi hỏi phải được quan tâm, giải quyết.

3. Đảm bảo quyền con người, quyền bình đẳng giới cho những người LBGT là một điều rất cần thiết hiện nay, vừa phù hợp với quy định quốc tế về quyền con người và xu thế chung trên thế giới mà Việt Nam là một thành viên, được khuyến nghị hoặc Việt Nam bỏ phiếu ủng hộ, vừa phát huy được sức mạnh của tất cả các cộng đồng dân cư, bảo đảm rằng "không ai bị bỏ lại phía sau" đối với mọi công dân Việt Nam. 

Do vậy cần phải: (i) nâng cao kiến thức, sự hiểu biết đúng đắn của xã hội đối với LBGT. Chính phủ cần đưa các kiến thức mang tính khoa học về người đồng tính vào chương trình giáo dục cộng đồng, đồng thời kết hợp với hình thức tuyên truyền xã hội để giảm bớt sự kỳ thị, cách nhìn sai lệch của nhiều người đối với LBGT. 

Xây dựng các chương trình, dự án chăm sóc sức khỏe LBGT, hướng dẫn bảo vệ họ khỏi bạo lực gia đình và trang bị kĩ năng phòng tránh các hành vi xâm hại đối với LBGT. (ii) hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ các quyền tự do, bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội của người LBGT, bao hàm việc ghi nhận LGBT là một bộ phận người tồn tại một cách tự nhiên trong xã hội bên cạnh hai giới tính truyền thống là nam giới và nữ giới dị tính, thể hiện sự tôn trọng và công nhận họ như một thành tố bình đẳng trong xã hội. 

Trên cơ sở đó, các bộ luật có những quy định cụ thể bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của LBGT. Trước mắt cần thúc đẩy sự ra đời của Luật Chuyển đổi giới tính. (iii) mở rộng định nghĩa về bình đẳng giới phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội, cần công nhận bản dạng giới là một chùm quang phổ màu sắc chứ không phải nhị nguyên giới và công nhận quyền tự quyết về bản dạng giới.

Thừa nhận các quyền tự nhiên của con người là một điều hiển nhiên vì tất cả mọi người cần được đối xử bình đẳng, công bằng, được thừa nhận và đảm bảo các quyền. Đây chính là tư tưởng, quan điểm mà Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước Việt Nam theo đuổi và quyết tâm thực hiện nhằm mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

(*) PGS. TS Đỗ Thị Thạch hiện là giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Tài liệu tham khảo:

1. Dẫn theo Hoàng Phương Liên: Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu về chỉ số phát triển giới. Nguồn: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/viet-nam-thuoc-nhom-dan-dau-ve-chi-so-phat-trien-gioi-565628.html, ngày 15/10/2020

2. Xem: UN Women (Việt Nam): Tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam 2021, Hà Nội. 2021; Lê Diễm Phương: Bình đẳng giới trong xã hội hiện đại - Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Nguồn: https://hnmu.edu.vn/vi-su-tien-bo-cua-phu-nu/binh-dang-gioi-trong-xa-hoi-hien-nay.html. Ngày 15. 2. 2023

3. Chẳng hạn như trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 Việt Nam đã bỏ quy định cấm kết hôn đồng giới. Trong Bộ luật Hình sự năm 2015, định nghĩa "hiếp dâm" đã được mở rộng thành "thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người khác trái với ý muốn của họ". Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng công nhận quyền của người chuyển giới được trải qua các cuộc phẫu thuật chuyển giới và sự thừa nhận hợp pháp về bản dạng giới của họ…Xem: UN Women (Việt Nam): Tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam 2021, Hà Nội. 2021

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn