Cơn đau tim thầm lặng hay còn được gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng (tiếng anh là: silent heart attack) không có triệu chứng rõ ràng như bất kỳ một cơn đau tim thông thường nào, nhưng vẫn có thể gây tổn thương mô tim, nên dễ dẫn tới sự chậm trễ trong quá trình điều trị và gây ra nhiều biến chứng nặng nề cho sức khỏe. Người càng lớn tuổi, khả năng bị đau tim thầm lặng càng lớn.
Theo Healthline, dưới đây là một số thông tin mà bạn cần biết về cơn đau tim thầm lặng bao gồm dấu hiệu, rủi ro, cách đối phó,... Lưu ý, các thông tin này không thể thay thế cho chẩn đoán của bác sĩ, nếu nhận thấy cơ thể có các dấu hiệu bất thường và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, hãy nhanh chóng thăm khám càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng sức khỏe nguy hiểm.
Đúng như tên gọi, cơn đau tim thầm lặng là một biến cố tim mạch có thể xảy ra mà người mắc không hề hay biết do không có triệu chứng rõ ràng hoặc các triệu chứng dễ dàng bị nhầm lẫn với các tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như ợ nóng hay bệnh cúm.
Giống như bất kì cơn đau tim nào thì cơn đau tim thầm lặng là kết quả của việc lưu lượng máu tới cơ tim bị gián đoạn. Thường là do cục máu đông xuất hiện chặn một phần hoặc toàn bộ con đường lưu thông máu trong động mạch vành.
Một khi nguồn cung máu có oxy ổn định bị chặn lại, mô tim sẽ bị tổn thương và có thể dẫn tới chết mô tim.
Trong một số trường hợp cơn đau tim thầm lặng có thể xảy ra mà không có bất kỳ một triệu chứng đáng chú ý nào và bạn có thể không phát hiện ra cho tới nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau đó.
Theo Healthline, cơn đau tim thầm lặng có thể gây ra:
- Cơn đau ở hàm, cổ, vai hoặc lưng trên.
- Khó thở.
- Buồn nôn.
- Các triệu chứng tương tự như khi bị cúm, chẳng hạn như mệt mỏi, đau nhức cơ thể.
- Chóng mặt.
- Đổ mồ hôi.
- Khó chịu nói chung và mệt mỏi quá mức kéo dài.
- Khó ngủ.
- Cảm giác khó tiêu.
Các triệu chứng do cơn đau tim thầm lặng có thể kéo dài trong vài phút hoặc lâu hơn, bắt đầu một cách từ từ và dần trở nên nghiêm trọng hơn nhưng cũng có thể chỉ là triệu chứng thoáng quá, đến rồi biến mất. Do vậy, nếu cảm thấy bị khó thở hay các cơn đau dai dẳng đặc biệt ở vùng hàm, cổ, vai và lưng trên thì cần nhanh chóng liên hệ với cơ sở y tế để được hướng dẫn.
- Đau ngực có thể là triệu chứng của nhiều tình trạng, từ ợ nóng hoặc căng cơ hay nghiêm trọng như đau tim. Khi tim bị giảm lưu lượng máu mang oxy tạm thời, người bệnh sẽ phát triển một loại đau gọi là đau thắt ngực. Nếu cơn đau ngực không giảm nhẹ sau khi nghỉ ngơi hoặc tiếp tục phát triển tồi tệ hơn, hãy nghĩ tới cơn đau tim và thăm khám càng sớm càng tốt.
Đầu tiên, cần nhớ rằng cơn đau tim thầm lặng có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Nhưng loại đau tim này có vẻ phổ biến hơn ở phụ nữ so với nam giới. Theo Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đau tim thầm lặng bao gồm:
- Bệnh tiểu đường type 2.
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh động mạch vành.
- Huyết áp cao.
- Cholesterol cao.
- Béo phì.
- Căng thẳng mãn tính.
- Lối sống ít vận động.
- Hút thuốc.
- Người trên 65 tuổi.
- Từng có tiền sử đau tim trước đó.
Vì người gặp cơn đau tim thầm lặng không biết bản thân bị đau tim nên thường họ không nhận được hướng dẫn và chăm sóc cần thiết để dự phòng các biến cố tim mạch trong tương lai. Một cơn đau tim thầm lặng có thể tổn thương mô tim dẫn tới sẹo tim và tăng nguy cơ: Rối loạn nhịp tim, đau tim tái phát và nghiêm trọng hơn là suy tim, đột quỵ.
Đặc biệt, khi máu ngừng chảy về tim trong khoảng 20 phút, tim có thể bị những tổn thương không thể phục hồi được. Khoảng thời gian này có thể ngắn hoặc dài hơn tùy thể trạng từng người.
Theo một nghiên cứu năm 2019 trên NCBI cho thấy, người mắc bệnh tiểu đường từng bị đau tim thầm lặng có tỷ lệ tái phát cơn đau tim và thậm chí là tử vong trong vòng 5 năm cao hơn so với người không mắc bệnh tiểu đường và cũng bị đau tim thầm lặng.
Theo một nghiên cứu khác năm 2018 trên NCBI, một người từng bị đau tim thầm lặng có nguy cơ bị suy tim cao hơn tới 35% và đột quỵ so với người không có tiền sử trước đó.
Nhìn chung, cơn đau tim thầm lặng nghe có vẻ vô hại nhưng thực tế khi xảy ra, cơn đau tim này có thể khiến mô tim bị tổn thương và làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng sức khỏe khác trong tương lai.
Mặc dù, chúng ta không thể làm gì với một cơn đau tim khi không có triệu chứng nhưng điều quan trọng chính là nhận ra và thăm khám sớm khi cơ thể phát triển các triệu chứng không giải thích được, chẳng hạn như đau thắt ngực đột ngột, đau thân trên, khó thở không phải do gắng sức,...
Thăm khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các bất thường, điều này đặc biệt quan trọng khi bạn có nguy cơ cao gặp phải cơn đau tim thầm lặng. Đau tim thầm lặng thường được phát hiện trong một lần khám sức khỏe có đo điện tâm đồ. Vì thế, mọi người không nên bỏ qua kỳ kiểm tra sức khỏe hàng năm và mỗi năm nên đo điện tâm đồ ít nhất một lần.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện các xét nghiệm khác ngoài điện tâm đồ để chẩn đoán cơn đau tim thầm lặng bao gồm: Siêu âm tim, chụp MRI đánh giá động mạch vành, đánh giá mức độ căng thẳng,...
Tùy theo nguyên nhân gây ra cơn đau tim là gì mà biện pháp điều trị đau tim cũng có sự khác biệt. Các điều trị thường bao gồm điều trị nội khoa và phẫu thuật can thiệp.
Điều trị nội khoa thường sử dụng các loại thuốc có tác dụng giãn mạch, tăng cường máu nuôi tim, kết hợp thuốc giảm stress, thuốc tiêu huyết khối.
Phẫu thuật can thiệp tùy theo từng loại đau tim, bác sĩ có thể chỉ định những phương pháp nong mạch, đặt Stent mạch vành, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành,... Đồng thời yêu cầu người bệnh thay đổi lối sống lành mạnh và khoa học hơn cũng như kiểm soát tốt các nguy cơ có thể gây ra cơn đau tim tái phát sau này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn