Theo UNICEF thì mỗi ngày, cứ 45 giây lại có ít nhất một trẻ tử v.ong do viêm phổi. Thực tế thì hầu như những trường hợp này đều có thể phòng ngừa trước được.
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính của phổi. Bệnh có thể do virus, vi khuẩn hoặc vi sinh vật khác như nấm gây ra. Khi một đứa trẻ nhiễm bệnh, phổi của trẻ sẽ chứa đầy dịch và khiến trẻ khó thở hơn.
Virus hợp bào đường hô hấp RSV là một loại virus thường thấy ở trẻ bị viêm phổi dưới 5 tuổi. Trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ bị viêm phổi cao hơn nếu tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
Với trẻ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện chẳng hạn như trẻ sơ sinh hay hệ miễn dịch suy yếu do suy dinh dưỡng hay các bệnh như HIV; có các vấn đề sức khỏe mãn tính như xơ nang, hen suyễn, các vấn đề về phổi hoặc đường thở cũng dễ bị viêm phổi hơn so với nhóm trẻ khỏe mạnh khác.
Vì viêm phổi là bệnh nhiễm trùng phổi nên các triệu chứng phổ biến nhất là ho, khó thở và sốt. Trẻ bị viêm phổi thường thở nhanh hoặc thở rút lõm lồng ngực (lồng ngực dưới của trẻ hóp vào hoặc co rút lại khi hít vào - khác với trẻ khỏe mạnh, lồng ngực nở ra khi hít vào).
Viêm phổi thường lây từ người này sang người khác và triệu chứng viêm phổi ở trẻ cũng như mức độ nghiêm trọng sẽ phụ thuộc vào việc trẻ bị bệnh do virus hay vi khuẩn. Nhận biết sớm các dấu hiệu viêm phổi ở trẻ giúp bố mẹ có các biện pháp đối phó cũng như cho trẻ thăm khám sớm để can thiệp.
Trẻ bị viêm phổi do vi khuẩn thường có các biểu hiện:
- Sốt
- Ho có đờm
- Ho đau tức ngực
- Nôn mửa
- Tiêu chảy
- Chán ăn
- Mệt mỏi bất thường.
Những vi khuẩn thường gặp là: Mycoplasma Pneumonia, Chlamydia Pneumoniae, phế cầu, tụ cầu vàng, liên cầu pyogenes, HiB, E.Coli, Proteus, các loại siêu vi hô hấp khác.
Thường thì rất khó để có thể phân biệt liệu trẻ đang bị viêm phổi do virus hay vi khuẩn. Nếu nguyên nhân là do virus thì các triệu chứng hô hấp có thể xảy ra chậm hơn. Trẻ có thể bắt đầu bị thở khò khè và ho nặng hơn.
Các triệu chứng thường xuất hiện khi trẻ bị viêm phổi do virus bao gồm:
- Thở nhanh, thở nặng
- Đau đầu
- Ớn lạnh
- Quấy khóc.
Một số cha mẹ thường nhầm lẫn các dấu hiệu ban đầu của viêm phổi giống như cảm lạnh hay các bệnh hô hấp khác. Nếu như triệu chứng của trẻ tồi tệ hơn thì bạn cần nhanh chóng cho trẻ tới các cơ sở y tế để được thăm khám sớm.
Để phân biệt được hai kiểu ho này, các tiêu chí thường để phân biệt là thân nhiệt trẻ khi sốt, cách trẻ ho và thở, cách trẻ ăn,... nhưng nhìn chung, bạn đều cần cho trẻ thăm khám và thực hiện các xét nghiệm để có thể khẳng định chắc chắn nhất về nguyên nhân.
Dưới đây là một số điểm khác biệt có thể giúp bạn tham khảo cách phân biệt ho do viêm phổi và ho do cảm lạnh:
- Thời gian kéo dài
+ Ho do cảm lạnh thường kéo dài từ 10 - 14 ngày và thường là triệu chứng cảm lạnh cuối cùng biến mất, trong một số trường hợp thì ho do cảm lạnh có thể kéo dài tới 2 tuần.
+ Ho do viêm phổi thường khỏi hoặc cải thiện dần trong vòng 6 tuần. Thời gian phục hồi chính xác ở mỗi trẻ là khác nhau tùy theo tính chất bệnh và mức độ nghiêm trọng.
- Triệu chứng kèm theo
+ Ho do cảm lạnh thường kèm theo các triệu chứng cảm lạnh khác như hắt hơi, sốt nhẹ. Ho nếu nhiều thường có đờm loãng màu trắng và dễ khạc nhổ ra ngoài. Ngoài ra người bị cảm lạnh thường ho nhiều hơn vào ban đêm, khi thời tiết ấm hơn cơn ho cũng bớt.
+ Ho do viêm phổi thường kèm theo thở khò khè và thậm chí là khó thở, sốt trên 38 độ C và thời gian sốt kéo dài hơn, lặp đi lặp lại. Cơn ho cũng có thể kèm theo tức đau ngực trong cơn ho và giữa các cơn ho dẫn tới chán ăn, mệt mỏi. Đờm thường có màu vàng.
- Tiếng thở
Khi áp tai vào ngực trẻ để nghe tiếng thở, cha mẹ có thể nghe thấy tiếng "gru gru" trong lồng ngực. Đây là biểu hiện việc trẻ bị thở khò khè do viêm phổi. Trẻ bị cảm lạnh không có tiếng thở này.
Khi phát hiện trẻ bị ho, bạn cần cho trẻ uống nhiều nước, bù ẩm và giữ ấm cho không khí mà trẻ hít vào cũng như tránh các tác nhân kích thích như khói thuốc, mạt bụi và cho trẻ thăm khám khi xuất hiện bất thường.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn