Polyp mũi là khối mềm, nhẵn, mọng trong, màu hồng nhạt, là thoái hoá cục bộ của niêm mạc mũi hay xoang, có cấu trúc bên ngoài là lớp biểu mô với tế bào trụ, vuông hoặc thành tế bào lát bẹt, bên trong là tổ chức liên kết với các tế bào xơ tạo thành một lớp lỏng lẻo, chứa các chất dịch nhầy.
Polyp mũi có thể đơn thuần ở hốc mũi hoặc có thể ở trong các xoang mặt hay ở cả xoang và mũi.
Triệu chứng
Theo bác sĩ Phan Kiều Diễm (phòng khám Tai mũi họng - 136 Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, Polyp mũi nhỏ thường không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng, nhưng nếu có kích thước lớn chúng sẽ làm tắc và gây khó thở đường mũi, có thể nhìn được hoặc sờ thấy. Các triệu chứng của polyp mũi bao gồm: Nghẹt mũi kéo dài, sổ mũi, chảy máu cam thường xuyên, giảm hoặc mất khứu giác, vị giác, đau nhức mặt hoặc nhức đầu, đau vùng răng hàm trên, cảm giác đè nặng trên mặt và trán, ngáy to, ngáy nhiều, viêm đa xoang mãn tính...
Biến chứng của polyp mũi
- Polyp mũi nhỏ thường ít gây ảnh hưởng, nhưng polyp quá to hoặc phát triển thành từng chùm, người bệnh sẽ có hiện tượng bị khó thở, ù tai, suy giảm chức năng khứu giác,… để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Nếu không cắt polyp mũi, để tình trạng kéo dài sẽ làm hốc mũi bị giãn rộng, polyp sa xuống cửa mũi trước, thòng vào cửa mũi sau, phá hỏng xương hốc mũi. Một số trường hợp hy hữu, polyp quá lớn có thể thay đổi hình dạng khuôn mặt.
- Polyp mũi thường sẽ xuất hiện ở cả 2 bên hốc mũi, nên nếu nội soi phát hiện chỉ có ở một bên mũi thì cần làm thêm các xét nghiệm nội soi khác. Bởi rất có thể đây là một khối u ác tính bất thường trong mũi.
Điều trị
- Thuốc điều trị thường được sử dụng với polyp nhỏ. Thông thường, phẫu thuật cắt bỏ polyp mũi thường áp dụng cho các trường hợp sau:
Polyp mũi nặng, phát triển thành chùm, gây ngạt thở, chảy dịch, viêm xoang, ù tai,…
Điều trị bằng thuốc trong thời gian dài nhưng không hiệu quả.
Polyp mũi đã bị biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường thở.
Bệnh nhân bị xơ nang phổi có polyp mũi đề kháng với corticoides (một loại thuốc kháng viêm).
- Với các trường hợp nặng hơn, polyp đi kèm viêm xoang thì phương pháp nội soi được chỉ định, kết hợp mở rộng ống xoang mũi và cắt polyp. Ưu điểm của phẫu thuật nội soi là ít đau đớn, không ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên cần một thời gian để vết thương lành lại.
- Polyp mũi dễ bị tái phát sau khi cắt bỏ, bệnh nhân cần theo dõi lâu dài (thường là nửa năm), kiểm tra định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để ngăn chặn sự tái phát.
Phòng tránh
Có thể giảm nguy cơ phát triển hoặc tái phát polyp mũi bằng các biện pháp sau:
- Tích cực tập thể dục, tăng cường sức đề kháng của cơ thể và ngăn ngừa cảm lạnh.
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên, bao gồm cả mũi.
- Dùng nước muối sinh lý, nước lạnh để vệ sinh mũi và xoang hàng ngày. Nước muối có thể giúp giảm viêm trong mũi cũng như làm khô chất nhầy đang gây nghẹt mũi. Muối còn giúp làm chậm quá trình sản sinh chất gây viêm adiponectin trong cơ thể. Nước lạnh có tác dụng thông mũi, giúp khoang mũi sạch sẽ.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài để làm giảm sự kích thích của không khí lên mũi, tránh xa môi trường có các chất kích thích mũi, các chất có khả năng gây viêm hoặc kích ứng mũi và xoang như khói thuốc, bụi...
- Không ngoáy mũi vì vi khuẩn ở ngón tay xâm nhập và gây ra các bệnh về mũi.
- Kiểm soát các bệnh hen phế quản và dị ứng.
- Nếu có vấn đề về mũi hãy đến các cơ sở y tế uy tín để khám, điều trị ngăn ngừa viêm nhiễm và nguy cơ mắc polyp mũi.
- Tăng cường hệ miễn dịch bằng chế độ ăn uống cân bằng.
Chế độ ăn uống khi bị polyp mũi
Khi mắc phải polyp mũi, bệnh nhân cần bổ sung ăn nhiều trái cây, rau xanh và gan động vật. Cà rốt, cà chua có thể ngăn ngừa cảm lạnh, thịt gà chứa cysteine, có thể thúc đẩy sự bài tiết chất nhầy trong đường hô hấp.
- Cần tránh ăn đồ tính lạnh, cay, nóng, mù tạt, tôm vì sẽ kích thích niêm mạc, gia tăng tình trạng viêm nhiễm.
- Có thể dùng rau dấp cá 60g, phổi lợn 200g nấu canh ăn. Hoặc giấm gạo nấu với 60g rong biển ăn, tuy nhiên nếu là người viêm loét dạ dày thì không nên dùng món này.