Cách phòng ngừa viêm đường tiết niệu trong thai kỳ

06:16 | 07/10/2024;
Khác với nhiễm trùng đường tiết niệu có triệu chứng, nhiễm trùng đường tiết niệu không triệu chứng không có dấu hiệu nào rõ ràng dù vi khuẩn vẫn hiện diện trong nước tiểu. Vì không có biểu hiện cụ thể nên người bệnh không cảm nhận được sự bất thường.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Diện (Bệnh viện đa khoa Hà Thành) cho biết, dù không có biểu hiện rõ ràng, nhiễm trùng đường tiết niệu không triệu chứng vẫn có thể gây ra biến chứng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, thì có thể dẫn đến nhiễm trùng thận hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác.

Khác với nhiễm trùng đường tiết niệu có triệu chứng, nhiễm trùng đường tiết niệu không triệu chứng không có dấu hiệu nào rõ ràng dù vi khuẩn vẫn hiện diện trong nước tiểu. Vì không có biểu hiện cụ thể nên người bệnh không cảm nhận được sự bất thường.

Để phát hiện nhiễm trùng đường tiết niệu trong thai kỳ khi không có triệu chứng, bác sĩ thường sử dụng phương pháp xét nghiệm nước tiểu định kỳ. Phụ nữ mang thai thường được khuyến nghị kiểm tra nước tiểu trong các lần khám thai, đặc biệt trong giai đoạn đầu của thai kỳ. 

"Xét nghiệm này rất quan trọng vì nhiễm trùng không triệu chứng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng thận hoặc sinh non", bác sĩ Lê Văn Diện cho hay.

Viêm tiết niệu trong thai kỳ có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho thai phụ và thai nhi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nhiễm trùng đường tiết niệu nếu không điều trị có thể lan lên thận, gây nhiễm trùng thận, dẫn đến sốt cao, đau vùng thắt lưng. 

Viêm nhiễm có thể kích thích các cơn co tử cung và gây ra sinh non, ảnh hưởng đến sức khỏe của bé do thai nhi chưa phát triển hoàn chỉnh. Nhiễm trùng có thể làm thay đổi tình trạng dịch ối, dẫn đến nguy cơ cạn ối hoặc suy giảm lượng máu đến thai nhi, gây suy dinh dưỡng bào thai. 

Trong các trường hợp nặng, đặc biệt là khi nhiễm trùng lan rộng và không được kiểm soát, nguy cơ sẩy thai cũng có thể xảy ra. Nhiễm trùng tiết niệu cũng có thể là yếu tố góp phần vào các tình trạng nguy hiểm trong thai kỳ như tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật. 

Do đó, việc theo dõi sức khỏe đường tiết niệu trong thai kỳ rất quan trọng để tránh các biến chứng không mong muốn kẻ trên.

Bác sĩ Lê Văn Diện cho biết, để phòng ngừa viêm tiết niệu trong thai kỳ, phụ nữ mang thai cần tuân thủ một số biện pháp chăm sóc sức khỏe và vệ sinh đúng cách như uống đủ nước, đi tiểu thường xuyên, vệ sinh vùng kín đúng cách… 

Bà bầu nên uống 2-3 lít nước mỗi ngày để giúp làm sạch đường tiết niệu và đẩy vi khuẩn ra ngoài cơ thể. Không nên nhịn tiểu quá lâu, vì điều này có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển trong bàng quang. 

Vệ sinh từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh để tránh vi khuẩn từ hậu môn tiếp xúc với đường tiết niệu. Sử dụng nước sạch và tránh các sản phẩm vệ sinh có hương liệu gây kích ứng. Khám thai định kỳ và xét nghiệm nước tiểu thường xuyên, giúp phát hiện sớm nhiễm trùng đường tiết niệu không triệu chứng để điều trị kịp thời. 

Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây và các thực phẩm chứa vitamin C để tăng cường sức đề kháng, giúp ngăn ngừa viêm nhiễm.

Để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu trong thai kỳ mà vẫn đảm bảo an toàn cho thai nhi, bác sĩ sẽ chỉ định các loại kháng sinh được chứng minh là an toàn cho phụ nữ mang thai. Bác sĩ cũng đặc biệt lưu ý, thai phụ không được tự ý ngưng thuốc. Nhiều phụ nữ mang thai lo lắng về việc dùng thuốc nên tự ý ngừng khi thấy các triệu chứng giảm. 

Tuy nhiên, để đảm bảo nhiễm trùng được loại bỏ hoàn toàn và không gây biến chứng, cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ và hoàn thành đủ liệu trình. Trong trường hợp viêm tiết niệu nghiêm trọng hoặc nếu bệnh nhân có nguy cơ cao như nhiễm trùng lan tới thận (viêm bể thận), thai phụ có thể cần điều trị tại bệnh viện với sự giám sát y tế chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn