Từ độ bước qua tuổi 40, chị Trần Thu Hằng ở Hà Nam, cảm thấy trí nhớ của mình suy giảm. Nhiều lúc, chị phát hoảng vì chứng đãng trí của mình làm nhỡ nhiều việc của gia đình, cơ quan.
Trước kia, chị Hằng có trí nhớ rất tốt nhưng thời gian gần đây, chị hay quên nhiều thứ. Có hôm, cấp trên giao cho chị việc gấp, chị nhận thông tin và trao đổi lại là sẽ triển khai ngay.
Tuy nhiên khi về phòng, quay đi quay lại thế nào mà chị quên luôn nhiệm vụ. Chiều hôm đó, khi việc cần triển khai sắp bắt đầu, chị mới nhớ ra mình chưa chuẩn bị những nhiệm vụ liên quan. Lúc này chị mới cuống cuồng lo toan nhưng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc hôm đó của cơ quan.
Có hôm, vì đãng trí nên việc của phòng chị còn bị nhỡ, không triển khai đúng kế hoạch đề ra.
Không những hay quên, dạo này chị còn dễ nổi nóng, tính nết khá thất thường. Sau khi tìm hiểu về chứng suy giảm trí nhớ ở tuổi trung niên và những biểu hiện tâm lý mà phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh có thể gặp phải, chị Hằng xem lại mình và vội tìm đến bác sĩ.
Thăm khám và nghe chia sẻ của chị xong, bác sĩ cho rằng, chị đã mắc chứng suy giảm trí nhớ; còn tính nết bỗng dưng nóng nảy, có thể do chị bị chứng “bốc hỏa”, một trong những biểu hiện điển hình của phụ nữ tuổi tiền mãn kinh.
Thực tế, không chỉ chị Hằng mà nhiều chị em lâm vào cảnh nhớ nhớ quên quên, đặc biệt là khi bước qua tuổi 40. Theo nhiều chuyên gia y tế, suy giảm trí nhớ xuất hiện ở nhiều lứa tuổi, trong đó thường gặp ở độ tuổi trung niên, đặc biệt là phụ nữ. Hiện nhiều người vẫn chủ quan trước chứng bệnh này, vì cho rằng đãng trí không nguy hiểm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khoảng 50% số người suy giảm trí nhớ sẽ chuyển thành bệnh sa sút trí tuệ nhiều năm sau đó.
Những biện pháp phòng tránh
Theo nhiều chuyên gia y tế, nguyên nhân là do ở độ tuổi trung niên, sức khỏe giảm sút, nhiều cơ quan, tế bào dần bị lão hóa, trong đó có tế bào thần kinh, khiến trí nhớ suy giảm. Bên cạnh đó, ở lứa tuổi trung niên, xơ vữa động mạch, thoái hóa đốt sống cổ là những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu não cũng góp phần làm tiến triển nhanh hơn sự suy giảm trí nhớ.
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, để hạn chế và khắc phục chứng suy giảm trí nhớ, chị Hằng và phụ nữ trung niên nên để não bộ nghỉ ngơi bằng cách làm việc điều độ, nghỉ ngơi hợp lý. Bên cạnh đó, không nên thức khuya, làm việc thông trưa, tốt nhất nên nghỉ trưa khoảng 30 phút buổi trưa, còn buổi tối nên ngủ đủ 7-8 tiếng.
Ngoài ra, chị em nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập những môn thể thao phù hợp với độ tuổi như đi bộ, yoga, bơi, cầu lông... Bởi tập thể dục giúp tăng cường máu, oxy lên não, giúp tăng tuần hoàn não, hạn chế đãng trí.
Thực tế, không chỉ phụ nữ trung niên mà mọi người đều có thể mắc chứng suy giảm trí nhớ. Vì thế, để phòng, tránh và hạn chế suy giảm trí nhớ, mọi người làm việc, ăn uống hợp lý; tăng cường sử dụng thực phẩm tốt cho não như mật ong, hạt sen, trứng, cá, nấm linh chi...
Ngoài sử dụng những thực phẩm trên, mọi người cần tránh lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia và các đồ uống có cồn khác; đồng thời không hút thuốc lá.
Các chuyên gia y tế cho rằng, nếu thực hiện các biện pháp hạn chế đãng trí mà vẫn hay quên, mọi người cần đến cơ sở y tế chuyên khoa sớm, để được thăm khám và can thiệp kịp thời. Bởi nếu để lâu, không những ảnh hưởng đến công việc, gia đình mà còn có thể dẫn đến sa sút trí tuệ.