Cách quản lý bệnh tiểu đường khi thời tiết trở lạnh

12:56 | 19/10/2022;
Thời tiết quá lạnh sẽ làm lượng đường trong máu tăng cao, người bị bệnh tiểu đường dễ gặp các biến chứng nguy hiểm nếu như không kiểm soát tốt.

Khi thời tiết chuyển lạnh, những người bị bệnh tiểu đường có mức HbA1c cao hơn so với những tháng ấm hơn. Đặc biệt, khi nhiệt độ xuống thấp, xuất hiện băng giá có thể làm lượng đường tăng cao.

Vào mùa lạnh, người bị tiểu đường dễ mắc các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, tê cóng chân tay dẫn tới loét nhiễm khuẩn hoặc hoại tử, hạ đường huyết,…

Vì vậy, người bị tiểu đường nên lưu ý một số vấn đề để quản lý tốt lượng đường trong máu, tránh những biến chứng nguy hiểm đe dọa đến sức khoẻ.

1. Chú ý đến đôi bàn chân

Bệnh tiểu đường có thể gây mất cảm giác ở ngón chân và bàn chân của bạn. Theo Cleveland Clinic. ADA khuyến nghị nên bảo vệ chân bằng giày dép phù hợp vào mùa đông, đặc biệt là khi trời quá lạnh, có băng tuyết và mang tất chống ẩm để giữ cho chân khô ráo.

Thêm vào đó, người bị tiểu đường nên thoa kem dưỡng ẩm cho bàn chân để ngăn ngừa nhiễm trùng. Kiểm tra chân thường xuyên, nếu bạn nhận thấy chân có những vết thương, nên đến bệnh viện để được kiểm tra kịp thời. Vì đây là biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường, nếu không được xử lý đúng cách sẽ dẫn tới hoại tử chân.

2. Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên

Người bị tiểu đường nên kiểm tra lượng đường thường xuyên để kiểm soát bệnh một cách tốt nhất. Đặc biệt, nên mang máy đo đường huyết bên cạnh để có thể kiểm tra lượng đường bất kỳ lúc nào.

Tuy nhiên, hầu hết các máy đo đường huyết chỉ hoạt động khi chúng được giữ ở nhiệt độ trên 40 độ F. Vì vậy, trước khi kiểm tra lượng đường trong máu, bạn nên làm ấm chúng để có kết quả chính xác. Một số mẹo làm ấm tay như rửa tay bằng nước ấm, ủ tay trong chăn, áo khoảng 5-10 phút,…

3. Duy trì các bài tập tốt cho sức khỏe

Vì lý do thời tiết lạnh nên nhiều người đã dần bỏ thói quen tập thể dục. Tuy nhiên, tập thể dục là một phần quan trọng để kiểm soát lượng đường trong máu của bạn.

Lưu ý, khi tập thể dục vào mùa lạnh, bạn nên mặc đủ lớp áo để giữ ấm cơ thể, không tập thể dục quá sớm hoặc tối muộn (5h sáng hoặc từ 7h tối), nên vận động trước khi thể dục, bổ sung đủ nước (nên uống nước ấm),…

Cách quản lý bệnh tiểu đường khi thời tiết trở lạnh - Ảnh 3.

Thể dục giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt (Ảnh: Internet)

Nếu trời quá lạnh, xuất hiện băng giá, người bị tiểu đường không nên tập thể dục ở ngoài trời, thay vào đó bạn có thể tập thể dục trong nhà bằng cách đi cầu thang, nâng tạ, tập yoga, thể dục nhịp điệu, …

4. Cân bằng chế độ dinh dưỡng

Những món ăn chứa nhiều carbohydrate sẽ khiến lượng đường trong máu của bạn tăng lên. Hơn nữa, vào mùa lạnh, cơ thể bạn có thể yêu cầu nhiều calo hơn để tự cung cấp năng lượng chống lại cái lạnh, điều này có thể gây tăng cân và không tốt cho người bị tiểu đường.

Do đó, mọi người nên kiểm soát tốt chế độ ăn uống, cân bằng đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng phù hợp, cụ thể:

- Những người bị tiểu đường nên ăn những nhóm thực phẩm như:

+ Nhóm đường bột: Ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, gạo còn vỏ cám,… được chế biến bằng cách hấp, luộc.

+ Nhóm thịt cá: cá, thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da,... hạn chế chế biến theo kiểu nướng, chiên.

+ Nhóm chất béo, đường: Nên chọn những thực phẩm có chứa chất béo không bão hòa như dầu đậu nành, dầu cá, dầu oliu,...

+ Rau củ quả: Các bạn nên lựa chọn ăn nhiều rau xanh, dưa leo, cà rốt, hoa quả tươi. Hạn chế những trái cây nhiều đường như hồng, xoài, sầu riêng,...

Cách quản lý bệnh tiểu đường khi thời tiết trở lạnh - Ảnh 4.

Nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, điều độ để cân bằng lượng đường huyết (Ảnh: Internet)

- Người bị tiểu đường cần chú ý, hạn chế và tránh những thực phẩm như:

+ Gạo trắng, miến mì, bột sắn dây, các loại củ nướng

+ Các thực phẩm chứa chất béo bão hoà, nhiều cholesterol

+ Thịt lợn mỡ, nội tạng động vật, các loại bánh kẹo ngọt, hoa quả sấy

+ Bia, rượu, nước ngọt

- Ngoài ra, người bị tiểu đường nên thực hiện theo nguyên tắc ăn uống sau để đảm bảo sức khỏe:

+ Chia khẩu phần ăn thành các bữa nhỏ trong ngày để tránh đường huyết bị tăng cao

+ Ăn uống đúng giờ, tránh tình trạng cơ thể quá đói hoặc quá no

+ Nên vận động nhẹ nhàng sau khi ăn, tránh việc ngồi một chỗ hoặc nằm luôn sau khi ăn

5. Bảo vệ cơ thể tránh bị COVID-19 hoặc cúm

Các bệnh về đường hô hấp như Covid-19, cảm cúm có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân bị tiểu đường.

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 5/2022 trên Tạp chí Bệnh Truyền nhiễm Diễn đàn Mở cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ nhập viện vì các triệu chứng liên quan đến cúm cao hơn gần 60% so với những người không mắc bệnh tiểu đường.

Các biến chứng nghiêm trọng do COVID-19 cũng phổ biến hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường, theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Các trường hợp Lâm sàng Thế giới năm 2021.

Cách quản lý bệnh tiểu đường khi thời tiết trở lạnh - Ảnh 5.

Cúm hoặc COVID-19 có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân tiểu đường (Ảnh: Internet)

Để phòng tránh cúm và COVID-19, các bạn nên rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dùng cồn để khử khuẩn, đeo khẩu trang khi ra ngoài, tiêm phòng,…

6. Tái khám định kỳ

Người bị tiểu đường nên khám sức khỏe định kỳ để nắm bắt được tình trạng sức khỏe của bản thân cũng như xử lý kịp thời nếu có những bất thường.

Khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra tình hình sức khoẻ, tuân thủ theo những lời khuyên của bác sĩ để có một sức khỏe tốt trong suốt mùa lạnh.

Có thể nói, bệnh nhân tiểu đường nên thận trọng hơn trong mùa lạnh. Giữ ấm cơ thể, duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp, vận động và kiểm soát lượng đường trong máu thường xuyên. Đặc biệt, khi thấy chân có những vết loét, nên đến bệnh viện kiểm tra sớm để có hướng xử lý kịp thời, phòng tránh biến chứng nguy hiểm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn