Dư lượng thuốc trừ sâu trong rau quả là một vấn đề nổi cộm khiến nhiều người dùng băn khoăn. Tại Trung Quốc, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị ngộ độc do ăn phải rau quả nhiễm thuốc trừ sâu, chiếm khoảng 1/3 số vụ ngộ độc thực phẩm.
Xuất phát từ điều này, nhiều người dùng quen với việc ngâm rau thật kỹ trước khi nấu. Có người cẩn thận còn ngâm rau, củ quả tới 3-4 tiếng. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Lưu Thiếu Vỹ, Phó Giám đốc kiêm giáo sư Trung tâm Nghiên cứu Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, hành động tưởng chừng như lành mạnh này không chỉ làm giảm hàm lượng dinh dưỡng của rau, thậm chí có thể khiến rau càng bẩn hơn.
Ngâm quá lâu dưới nước có thể khiến rau quả ngấm ngược hóa chất. (Ảnh minh họa)
Ngâm rau lâu có tốt không?
Thuốc trừ sâu có thể được chia thành hai loại, loại tan trong nước và loại tan trong chất béo. Các loại thuốc trừ sâu hòa tan trong nước là trichlorfon, ethephon và dimethoate. Thuốc trừ sâu hòa tan trong chất béo là dimethoate, omethoate...
Hiện nay, hầu hết các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên rau quả chủ yếu là thuốc trừ sâu tan trong chất béo, do khả năng thẩm thấu của thuốc trừ sâu tan trong chất béo lớn hơn nhiều so với thuốc tan trong nước. Tuy nhiên, điều này có thể hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Khi ngâm rau củ quả trong nước, bạn chỉ có thể loại bỏ thuốc trừ sâu hòa tan trong nước trên bề mặt của củ quả nhưng không thể loại bỏ dư lượng chính của chúng là thuốc trừ sâu hòa tan trong chất béo. Trong quá trình ngâm, thuốc trừ sâu trong nước sẽ hòa tan vào nước và tạo thành dung dịch với nồng độ thuốc nhất định. Nếu thời gian ngâm quá lâu, thuốc trong nước bị hấp thụ ngược trở lại rau củ quả, dẫn đến tác dụng ngược, thậm chí có thể gây bệnh.
Ngoài ra, nếu thời gian ngâm quá lâu, nhiều chất dinh dưỡng trong rau củ quả như vitamin C, vitamin B và canxi, magie, sắt, kẽm... sẽ hòa tan trong nước, dẫn đến mất chất dinh dưỡng. Một nghiên cứu chỉ ra, khi ngâm rau hơn 15 phút, tỷ lệ mất vitamin C là hơn 90%. Do đó, phương pháp ngâm rau củ quả trong nước quá lâu, không khoa học.
Nên rửa rau củ quả dưới vòi nước thay vì ngâm lâu. (Ảnh minh họa).
Làm thế nào để loại bỏ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách?
Bạn có thể ngâm rau, nhưng chỉ từ 30 phút đổ lại, sau đó cho vào chế biến. Để an toàn, bạn có thể dùng tới các phương pháp sau:
Chần sơ (với rau): Sau khi rửa rau, bạn chần sơ trong vòng 1-1,5 phút, giúp loại bỏ dư lượng thuốc trên rau củ, đồng thời không làm mất quá nhiều chất dinh dưỡng của rau. Nghiên cứu chỉ ra, rửa bắp cải bằng nước chỉ có thể loại bỏ 30% hàm lượng methamidophos còn sót lại trên rau, trong khi chần trong một phút có thể loại bỏ hơn 90%.
Gọt vỏ (với trái cây): Đối với một số loại trái cây không thể chần hay các loại rau có vỏ dày như dưa chuột, củ cải, bạn có thể loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu bằng cách gọt vỏ. Tỷ lệ loại bỏ thuốc trừ sâu bằng cách này có thể đạt tới hơn 90%.
Ngâm dưới 30 phút bằng nước kiềm yếu: Loại nước có tính kiềm yếu trong nhà bếp chủ yếu bao gồm nước vo gạo, nước muối nở... Hầu hết các loại thuốc trừ sâu đều dễ bị phân hủy trong điều kiện kiềm, do đó, sử dụng loại nước kiềm yếu này để rửa rau quả có tỷ lệ loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu cao hơn so với nước thông thường.
Rửa bằng nước: Bạn nên rửa lại rau nhiều lần trước khi chế biến, thay vì ngâm rau.
Làm thế nào để chọn rau ít dư lượng thuốc sâu?
Ngoài việc làm sạch trái cây và rau quả, chúng ta cũng cần chọn những loại trái cây và rau quả ít tồn dư hóa chất trên vỏ. Nên chọn rau củ quả tại các cửa hàng rau sạch, có tem nhãn chính quy, điều này cho thấy sản phẩm đã được kiểm định trước khi ra thị trường.
Quan sát cảm quan: Không nên mua những loại quá nõn nà, ngoại cỡ. Người tiêu dùng khi mua rau quả nên chọn những loại có độ chín vừa phải, màu sắc và hình thức bình thường, không cần đẹp. Bạn có thể cho lên mũi ngửi xem rau củ quả có mùi bất thường không, để tránh mua phải rau củ phun nhiều hoá chất tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn