Ông Anthony, một nhân viên an ninh 75 tuổi, sống một mình, chia sẻ, ông thích sống khép kín. Ông hạn chế giao lưu với hàng xóm, vì không muốn làm phiền ai. Ông không có nhiều bạn bè ở Singapore do dành phần lớn thời gian thời trẻ của mình để làm việc ở nước ngoài.
Trường hợp bà Doris Tang, 74 tuổi, lại khác. Bà tận hưởng những năm tháng nghỉ hưu bởi có thời gian theo đuổi sở thích riêng, học các kỹ năng mới và phục vụ cộng đồng. Kể từ khi nghỉ hưu vào năm 2012, bà Tang đã chăm sóc cháu trai, làm tình nguyện viên và học các kỹ năng mới.
"Tôi thấy mọi người giờ sống lâu hơn, đến 80-90 tuổi. Vì vậy, tôi nghĩ cách dành hai thập kỷ này để sống cho bản thân và có ích cho xã hội", bà Tang nói.
Cuộc sống tương phản của ông Anthony và bà Tang phản ánh quá trình già hóa ở Singapore không phải là trải nghiệm đồng nhất. Dân số già của Singapore không chỉ tăng lên mà đặc điểm nhân khẩu học của người cao tuổi nước này cũng đang thay đổi.
Họ sống lâu hơn, có xu hướng học vấn cao hơn, giàu có hơn so với các nhóm trước đó. Điều này có thể làm nảy sinh những kỳ vọng và nhu cầu khác nhau khi về già.
"Việc giải quyết tình trạng già hóa đã trở nên cấp thiết hơn khi Singapore dự kiến sẽ đạt được tình trạng siêu già vào năm 2026. Khi đó, cứ 5 người dân ở đây thì có 1 người từ 65 tuổi trở lên", nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Lão khoa thuộc Trường Y Duke-NUS cho biết.
Khi nói đến việc chuẩn bị cho một xã hội già hóa, có một lĩnh vực mà Singapore làm khá tốt, đó là cơ sở hạ tầng. Vào tháng 1/2023, Bộ Y tế nước này đã triển khai Kế hoạch hành động cho quá trình già hóa dân số. Theo đó, có 3 mục tiêu chính được đề ra trong kế hoạch:
- Trao quyền cho người cao tuổi để chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của họ.
- Tiếp tục phát huy đóng góp về kiến thức và chuyên môn của người cao tuổi cho xã hội.
- Hỗ trợ người cao tuổi duy trì kết nối với người thân và xã hội.
Kế hoạch cũng bao gồm các sáng kiến và mục tiêu chính do chính quyền đặt ra khi họ đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với người cao tuổi.
Ngoài việc xây dựng các cơ sở thân thiện với người cao tuổi, một xã hội già hóa cần có sự hỗ trợ xã hội và mạng lưới an toàn cho người cao tuổi. Singapore đã có những động thái về vấn đề này trong những năm qua.
Ví dụ, vào tháng 11 năm ngoái, chính quyền đã khởi động "Age Well SG", một chương trình quốc gia cung cấp phương tiện đi lại, các sáng kiến kết bạn cho người cao tuổi và hỗ trợ người chăm sóc người cao tuổi.
Thực tế, việc mở rộng hỗ trợ không chỉ cho người cao tuổi mà còn cho cả người chăm sóc họ rất quan trọng, các chuyên gia cho biết. Với các đơn vị gia đình ngày càng thu hẹp, sẽ không bền vững nếu chỉ dựa vào dịch vụ chăm sóc người cao tuổi hay các thành viên trong gia đình của người cao tuổi.
Cần phải tạo ra một nhóm chăm sóc rộng hơn và giải pháp khả thi là thu hút những người cao tuổi khác tham gia công tác hỗ trợ và chăm sóc.
Các chuyên gia cho biết, mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh về một quốc gia thân thiện với người cao tuổi là cải thiện thái độ của xã hội đối với người cao tuổi và quá trình già hóa dân số. Điều này bao gồm việc giải quyết sự phân biệt đối xử đối với người cao tuổi.
Thật vậy, một số người cao tuổi được phỏng vấn đã nói về nỗi sợ trở thành gánh nặng cho những người xung quanh. Để giúp người cao tuổi cảm thấy mình sống có ích, tổ chức phi lợi nhuận TOUCH Community Services đã điều chỉnh các vai trò tình nguyện theo sở thích và khả năng của người cao tuổi.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho biết, phương tiện truyền thông đại chúng cũng có thể giúp định hình lại tư duy về già hóa theo hướng tích cực hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn