Trước đó, bé gái 4 tuổi (quê Tây Ninh) đi bộ qua bãi cỏ cùng người thân thì bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Các bác sĩ tiếp nhận bé gái trong tình trạng lo sợ, quấy khóc do đau nhức, sưng phù, bầm da và chảy máu tại vết cắn vùng cổ chân trái.
Bé gái sinh đôi N.T.T.T và N.T.T.L (9 tuổi, trú tại huyện Tam Nông, Phú Thọ) bị rắn hổ cắn trong lúc chơi đùa tại sân nhà. Sau khi cha mẹ phát hiện đã đưa con tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu.
Bác sĩ Lê Văn Lượng, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), khuyến cáo, mỗi loại rắn độc có độc tính khác nhau, tùy theo loại rắn mà có biện pháp sơ cứu kịp thời.
Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân chủ quan áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu vết rắn cắn, cho đến khi có các biểu hiện suy hô hấp, tím tái, co cơ… thì mới vội vàng đến các cơ sở y tế.
Theo bác sĩ Lượng, khi bị rắn độc cắn, cần sơ cứu đúng cách, nhằm hạn chế tốc độ nọc độc xâm nhập cơ thể. Sau đó đưa người bị rắn cắn đến cơ sở y tế, có đủ điều kiện chữa trị (cấp cứu hô hấp, tim mạch hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc trị) để được xử lý kịp thời.
Để tránh bị rắn cắn, người dân cần tránh các khu vực thường có nhiều rắn như bụi cỏ, chuồng gà, khe, hốc; đi ban đêm cần có đèn chiếu sáng; khi lao động cần đi ủng, giày cao cổ và quần dài; không trực tiếp nằm ngủ trên nền đất.
Theo TS Lê Xuân Dương - khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - người dân có thể nhận ra được một số loại rắn độc thường gặp dựa vào các đặc điểm đặc trưng bên ngoài của rắn như: rắn hổ mang khi chuẩn bị tấn công thì cổ bạnh, rắn cạp nong thân mình khúc vàng khúc đen, rắn cạp nia thân mình khúc trắng khúc đen, họ rắn lục đầu to hình thoi hoặc tam giác...
Rắn độc thường có 2 răng độc lớn (còn gọi là móc độc) ở vị trí răng cửa hàm trên, khi cắn để lại vết cắn đặc trưng có thể giúp phân biệt rắn độc. Răng rắn độc đóng vai trò như một kim tiêm dưới da hoặc tiêm vào bắp thịt.
Với một số loại rắn hổ mang, mặc dù ở cách nạn nhân một khoảng cách vẫn có thể phun nọc độc về phía nạn nhân và gây tổn thương mắt, từ đó gây nhiễm độc toàn thân.
Cách sơ cứu ban đầu khi bị rắn cắn:
1. Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn.
2. Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó sưng nề.
3. Băng ép bất động với rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển, một số giống rắn hổ mang thường, rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có thể cấp cứu hô hấp, tim mạch tốt hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu để được xử lý kịp thời.
Khi bị rắn cắn không nên sử dụng các biện pháp sau:
- Garô: Đây là biện pháp làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch. Nó gây đau, rất nguy hiểm và không thể duy trì lâu (không quá 40 phút), chân tay rất dễ bị thiếu máu nguy hiểm. Nhiều trường hợp sau đó phải cắt cụt chân tay vì garô.
Ngoài ra khi đến bệnh viện, bác sĩ tháo băng garô ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân bị sốc, đe dọa tính mạng.
- Chích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn: Các biện pháp này gây hại thêm cho bệnh nhân như tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh, nhiễm trùng nặng thêm...
- Hút nọc độc.
- Chườm đá (chườm lạnh): có thể gây hại cho nạn nhân.
- Sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo: có thể gây nhiễm trùng, khi uống có thể gây hại cho nạn nhân.
- Không cố gắng bắt hoặc giết rắn: Nếu rắn đã chết hoặc bắt được rắn thì phải đem cùng với bệnh nhân đến bệnh viện để nhận dạng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn