Tiết kiệm 50% thu nhập hàng tháng nghe có vẻ là điều bất khả thi với nhiều người. Trăm khoản cần chi thì làm sao để sống sót chỉ với một nửa lương mỗi tháng đây.
Tuy nhiên, sự thật là tiết kiệm 50% thu nhập không khó khăn như bạn vẫn tưởng. Rất nhiều người đã làm được điều đó và dưới đây là những lời khuyên hữu ích được họ đúc rút trong quá trình thực hiện. Có những người bắt đầu gần như từ con số 0, sau 5 năm đã vươn lên đạt được con số tài sản đáng mơ ước.
Tự động hóa mọi thứ
Năm 2016, Chris Reining (Mỹ) từ bỏ công việc kỹ sư công nghệ thông tin ở tuổi 37 với hơn 1 triệu USD trong tài khoản ngân hàng. Anh đã chọn cách sống đơn giản, tiết kiệm và đầu tư hơn một nửa thu nhập của mình. Anh từng chia sẻ, bí quyết làm nên thành công của mình trong suốt nhiều năm qua là nhờ một thói quen đơn giản: Tự động hóa tài chính.
Tự động hóa tài chính chính là việc đặt những việc như thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm… một cách tự động. Bạn sẽ không phải đắn đo mỗi khi lấy lương rằng tháng này mình sẽ chi tiêu bao nhiêu, tiết kiệm bao nhiêu và gửi vào tài khoản nào.
“Điều này không chỉ giúp bạn gây dựng sự giàu có mà còn giúp tiết kiệm thời gian và công sức”, Reining chia sẻ.
Reining đã bắt đầu tạo dựng thói quen tự động hóa tài chính từ nhiều năm trước và thói quen đơn giản này giúp anh không phải tốn thời gian đưa ra quyết định tiền của mình sẽ đi đâu, chi tiêu bao nhiêu hay đầu tư những gì, liệu có đủ tiền tiết kiệm tháng này không…
Theo dõi chi tiêu
Nếu muốn tiết kiệm lớn, theo dõi chi tiêu là điều rất quan trọng để bạn biết tiền của mình đang đi những đâu. Nhiều người thành công đều sớm bắt đầu hành trình độc lập tài chính của mình bằng cách phân tích thói quen chi tiêu và tìm ra cách cắt giảm.
Justin McCurry (Mỹ), người đã tiết kiệm hơn một nửa thu nhập để nghỉ hưu ở tuổi 30 cùng vợ mình chia sẻ: "Hiểu rõ mình chi tiền vào những việc gì sẽ giúp bạn thấy được liệu mình có đang được hưởng lợi từ các khoản chi đó không, đâu là khoản chi không hiệu quả, cần cắt giảm”.
Bạn có thể ghi chép ra sổ tay hay dùng ứng dụng trên điện thoại thông minh để theo dõi thu chi hàng ngày. Reining cũng đã áp dụng việc ghi chép chi tiêu từ năm 2006.
"Một khi bắt đầu theo dõi chi tiêu, từ tháng này qua tháng khác, từ năm này qua năm khác, bạn sẽ thực sự hiểu rằng chi tiêu ít hơn chính là mình đang tiết kiệm và đầu tư nhiều hơn. Và nếu tôi tiết kiệm và đầu tư nhiều hơn, tôi có thể nghỉ hưu sớm hơn”, anh nhận định.
Cắt giảm chi phí lớn nhất
Với rất nhiều người, một phần lớn trong thu nhập hàng tháng là dành cho chi phí nhà ở. Nếu bạn có thể tìm ra cách để cắt giảm chi phí đó, bạn sẽ có nhiều tiền để tiết kiệm hoặc đầu tư hơn.
“Sống trong một căn hộ rẻ hơn, tìm bạn ở cùng hay mua một căn hộ 2 phòng ngủ và cho thuê phòng còn lại để giữ chi phí nhà cửa ở mức thấp nhất có thể", triệu phú tự thân Grant Sabatier chia sẻ. Anh là người từng tiết kiệm được tới 80% thu nhập.
“Nếu bạn cắt giảm chi phí nhà ở của mình từ 2.000 USD xuống còn 600-700 USD thì điều đó có nghĩa rằng bạn có thể nghỉ hưu sớm 10-15 năm”.
Có 3 khoản chi phí mà bạn cần cân nhắc và tìm cách cắt giảm chính là nhà ở, thực phẩm và phương tiện đi lại. Giải quyết được bài toán này, việc tiết kiệm 50% thu nhập của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Tăng thu nhập
Tất nhiên, càng có nhiều tiền, bạn sẽ càng dành được nhiều hơn cho tài khoản tiết kiệm và đầu tư. Sabatier cho biết: "Hãy ra ngoài và làm bất cứ việc gì giúp bạn có thể gia tăng thu nhập. Không cần bắt ép bản thân phải kiếm được thật nhiều, hãy đơn giản là bắt đầu từ những con số nhỏ và thực tế. Một đồng thu nhập kiếm thêm được đem đi đầu tư sẽ giúp con đường đến ngày nghỉ hưu của bạn thêm ngắn lại”.
Bạn có thể phát triển nhiều kênh thu nhập bằng cách làm các công việc phụ bán thời gian như làm thêm buổi tối, dịch sách, viết báo hay tự làm đồ chơi handmade cho những người khéo tay…
Richard Meadows, người đã tiết kiệm được 100.000 USD trong 3 năm, thì cho rằng theo dõi tài sản của mình là "công cụ số 1 để thành công tài chính thực sự". Meadows bắt đầu tiết kiệm một nửa thu nhập vào những năm 2013 và theo dõi tài sản của mình thông qua các phần mềm, ứng dụng.
"Nếu không theo sát, đo lường cụ thể, bạn sẽ không biết mình có đang đi đúng hướng không, cần điều chỉnh thế nào”, anh nói.
Sabatier cũng giữ thói quen theo dõi tài sản của mình mỗi sáng thức dậy hay khi thưởng thức ly cà phê. Điều này khiến anh có động lực hơn khi thấy các con số tăng dần theo thời gian.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn